Ngoài hoa hậu Mỹ, nhiều cuộc thi sắc đẹp khác trên thế giới cũng đã loại bỏ phần thi bikini ra khỏi vòng tranh tài.
Hoa hậu Mỹ
Trong nhiều cuộc thi nhan sắc, trình diễn bikini là phần thi quan trọng để tìm ra cô gái có hình thể đẹp nhất. Tuy nhiên, đây cũng là phần thi gây ra nhiều tranh cãi nhất.
Mới đây, BTC Hoa hậu Mỹ (Miss America) đã quyết định bỏ phần thi bikini ra khỏi vòng tranh tài nhằm ủng hộ phong trào #MeToo (chống quấy rối tình dục) đang lan rộng, đặc biệt là sau khi những người lãnh đạo cũ của cuộc thi vướng bê bối lộ email phân biệt giới tính và gọi các thí sinh là "gái điếm".
Theo bà Gretchen Carlson, Chủ tịch mới của Tổ chức Hoa hậu Mỹ và cũng là Hoa hậu Mỹ 1989, cuộc thi sẽ là một cuộc ganh đua thực sự về trí tuệ, tài năng, lòng nhân ái chứ không đơn thuần là nơi trình diễn sắc đẹp.
"Chúng tôi đã nghe rất nhiều phụ nữ trẻ chia sẻ họ rất thích tham gia cuộc thi nhưng họ không muốn phải trình diễn áo tắm", bà Gretchen Carlson cho biết.
9 thành viên của Hội đồng quản trị cuộc thi Miss America, trong đó 7 người là phụ nữ đã nhất trí với sự thay đổi này từ tháng 3.
Hoa hậu Thế giới
Tuy nhiên Hoa hậu Mỹ không phải là cuộc thi duy nhất quyết định bỏ thi bikini, trước đó Hoa hậu Thế giới cũng đã có động thái này.
Năm 2013, cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức tại Indonesia đã vấp phải sự phản đối và bạo động khiến cuộc thi suýt bị hủy bỏ. Nguyên nhân vì Hội đồng Ulema Indonesia (cơ quan lãnh đạo Hồi giáo cao nhất ở nước này) kêu gọi tẩy chay Hoa hậu Thế giới tại nước này.
BTC buộc phải hủy địa điểm tổ chức ở đảo Java (nơi tập trung nhiều người dân theo đạo Hồi ) để tới đảo Bali. Ngoài ra, phần thi bikini cũng bị loại ra khỏi cuộc thi. Thay vào đó, các thí sinh được mặc những trang phục mang tính truyền thống hơn như sarong.
Tại cuộc thi Hoa hậu thế giới 2014 diễn tại London, Anh, BTC cũng bỏ thi bikini trong đêm chung kết. Sau đó vào năm 2015, bà Julia Morley - chủ tịch của cuộc thi Hoa hậu Thế giới chính thức tuyên bố loại bỏ phần thi bikini khỏi đấu trường nhan sắc này.
Lý do được đưa ra là bà muốn cuộc thi đi theo hướng không chỉ đơn thuần là phán xét hay tôn vinh cơ thể phụ nữ mà quan trọng nhất làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của họ.
Hoa hậu Ý
Bắt đầu từ năm 2012, phần thi bikini cũng vắng bóng trong các cuộc thi Hoa hậu Ý. Thay vào đó, trang phục áo tắm của các thí sinh dự thi sẽ chỉ có dạng một mảnh, kín đáo kiểu cổ điển.
Patrizia Mirigliani - nhà tổ chức Miss Italia cho hay quyết định quay trở lại với những trang phục áo tắm liền một mảnh nhằm đưa cuộc thi về với "vẻ đẹp cổ điển của những năm 1950". Việc loại bỏ bikini cũng đồng thời mang lại "yếu tố tao nhã" cho sàn đấu sắc đẹp này.
Ngoài quy định cấm mặc bikini, cuộc thi Hoa hậu Ý cũng cấm các thí sinh Phẫu thuật thẩm mỹ, xăm trổ và xỏ khuyên trên cơ thể.
Hoa hậu Argentina
Không chỉ loại bỏ phần thi bikini, mà tại Argentina chính quyền thành phố Chivilcoy đã quyết định xóa bỏ hẳn các cuộc thi hoa hậu. Lý do mà thành phố Chivilcoy này là vì họ cho rằng các cuộc thi nhan sắc gây hại cho phụ nữ.
Họ lo ngại rằng cuộc thi hoa hậu mang nhiều yếu tố quá gợi cảm sẽ góp phần quảng bá cho việc phân biệt giới tính, tình dục và vấn nạn bạo hành phụ nữ.
Đại diện của thành phố Chivilcoy nhấn mạnh: "Thi hoa hậu khiến phụ nữ bị ám ảnh bởi vẻ đẹp và dễ mắc các căn bệnh như chứng biếng ăn, phàm ăn vô độ, rối loạn ăn uống".
Tuy vậy, quyết định này của thành phố cũng gây nên cuộc tranh cãi gay gắt tại Argentina - nơi mà các cuộc thi hoa hậu trở thành một phần không thể thiếu.
Trước thông tin cuộc thi Hoa hậu Mỹ 2019 sẽ bỏ phần thi bikini, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng cục Nghệ thuật Biểu diễn (bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết, trong hội nghị của ngành sắp tới diễn ra vào ngày 22/6 tại Huế, đơn vị này sẽ lấy ý kiến về việc bỏ phần thi bikini trong các cuộc thi sắc đẹp.
"Khi theo dõi việc tổ chức thi hoa hậu trên thế giới và ở Việt Nam, trước những phản hồi về việc Hoa hậu Mỹ bỏ phần thi bikini, Cục đưa ra nội dung này để trao đổi, lấy ý kiến từ các tổ chức, cá nhân liên quan. Việc Hoa hậu Mỹ bỏ phần thi này cho thấy họ đang tập trung đánh giá trí tuệ thí sinh, đây là điều tích cực" - ông Lê Minh Tuấn chia sẻ.
Theo ông, pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào hạn chế phần thi này. Tất cả phụ thuộc vào ban tổ chức cũng như tiêu chí, thể lệ từng cuộc thi.
Tuy vậy, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các cuộc thi sắc đẹp đều xác định ưu tiên vẻ đẹp trí tuệ, văn hóa và nhân cách, sau đó mới đến hình thể.
"Chúng tôi sẽ xem phản hồi từ dư luận, từ các đối tượng chịu tác động thế nào. Nếu có sự đồng thuận cao từ cơ quan quản lý, từ các tổ chức, cá nhân và quy định mới có khả năng giúp đạt hiệu quả quản lý tốt, không ảnh hưởng tới chất lượng các cuộc thi thì sẽ thể chế vào văn bản pháp luật", ông Lê Minh Tuấn cho hay.
Hiện tại, câu chuyện Hoa hậu Việt Nam có nên loại bỏ phần thi bikini hay không đang gây ra nhiều làn sóng tranh luận.