Trong khi một số người nhạy cảm, có thể nghi ngờ rồi tự phát hiện ra các dấu hiệu mang thai lúc vừa mới 1-2 tuần đầu tiên sau khi quan hệ, số phụ nữ khác phải đợi khi chu kỳ kinh nguyệt của mình “mất tích” từ 1-2 tháng mới “té ngửa” mình đang có thai.
Thay đổi chất nhầy ở cổ tử cung
Trong những ngày đầu mang thai, chất nhầy sẽ bị cô đặc thành nút nhầy bít chặt tại cổ tử cung. Đây là phản ứng của cơ thể mẹ nhằm ngăn cản tác động của các chất trong cơ thể mẹ cũng như các yếu tố bên ngoài âm đạo vào tử cung để bảo vệ cho bào thai. Như vậy, các mẹ sẽ cảm thấy chất nhầy trong tử cung trở nên đặc hơn.
Nhận biết các dấu hiệu mang thai sớm để có thể chăm sóc con của bạn từ những tuần đấu tiên.
Ra máu
Đây có thể được xem là một trong những dấu hiệu có thai sớm nhất nhưng cũng lại là dấu hiệu dễ bị “ngó lơ” nhất. Nguyên nhân là do nhiều người nhầm tưởng kỳ kinh của mình đột nhiên tới sớm. Sau khi trứng được thụ tinh từ 6-12 ngày, lớp niêm mạc tử cung sẽ bị bung ra gây chảy máu âm đạo. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% phụ nữ gặp phải trường hợp này. Ra máu sau khi thụ tinh thường chỉ là một vài vệt nhỏ, màu nhạt hơn bình thường hoặc nâm đậm và chỉ xuất hiện trong 1- 2 ngày.
Nếu bạn để ý kỹ, ngoài máu, cơ thể bạn cũng tạo ra một ít dịch màu trắng đục, do các tế bào trong âm đạo đang phát triển, trở nên dày hơn để làm “tổ” cho trứng.
Ngực thay đổi
Sự thay đổi hormone cũng là một dấu hiệu mang thai cần lưu ý, vì khi làm tăng lượng máu cung cấp cho ngực khiến bạn có cảm giác nóng ran xung quanh đầu và núm vú. Ngoài ra, kích thước vòng một cũng tăng đáng kể kèm theo những cơn đau tức hơn bình thường. Thậm chí có người còn cảm thấy hơi đau khi chạm vào. Nếu để ý kỹ, bạn cũng có thể nhận thấy vùng da xung quanh đầu ti của mình trở nên thâm, đen hơn bình thường.
Mệt mỏi
Các mẹ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt hoặc thậm chí là ngất xỉu: Khi mang thai thời kì đầu, các mẹ cần có thêm dinh dưỡng và oxi để nuôi dưỡng bào thai. Lúc đó, lượng hormone progesterone tăng khiến cho nhiệt độ cơ thể mẹ tăng để đốt cháy thêm nhiều năng lượng. Nhịp tim cũng sẽ tăng để cung cấp đủ oxi cho buồng trứng. Hệ thống tim mạch của các mẹ lúc này sẽ có những thay đổi khá lớn: nhịp tim tăng, tốc độ bơm máu tăng, lượng máu trong cơ thể mẹ tăng 40-45%. Bởi vì là thời kì đầu của thai kì, cơ thể mẹ chưa thể thích nghi ngay được nên các mẹ sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, hay ngất xỉu. Ở hiện tượng này, có nhiều mẹ sẽ tưởng mình bị ốm hay làm việc quá sức.
Đau đầu
Sự tăng “đột biến” của hormone progesterone cộng với sự thiếu hụt lượng hồng cầu trong máu là nguyên nhân làm nhiều một số người bị đau đầu khi mang thai.
Đau lưng
Bạn cảm thấy đau ở lưng, đây cũng là một dấu hiệu mang thai sớm cho bạn. Khi bạn có bầu đồng nghĩa với việc dây chằng ở lưng bị kéo dãn, cơ bụng trở nên lỏng lẻo và các cơ quan ở lưng phải hoạt động tích cực hơn. Điều này dẫn đến những cơn nhức mỏi dọc theo sống lưng và chúng thậm chí còn trở nên khó chịu hơn khi thai nhi trở nên lớn dần. Tuy nhiên, cảm giác đau lưng này khá giống với cảm giác nhức lưng trước mỗi kỳ kinh nên thường không được mọi người chú ý.
Tiểu tiện liên tục
Trong những ngày đầu mang thai, tử cung của các mẹ sẽ lớn ra để chuẩn bị đón nhận bé, nó sẽ đè lên bàng quang và khiến cho bạn tiểu tiện nhiều lần trong ngày.
Bạn cảm thấy khó thở và thân nhiệt cao trong nhiều ngày
Ngay từ tuần đầu mang thai, cơ thể mẹ cần lượng oxi và năng lượng nhiều hơn cho bản thân và bé. Nhiệt độ cơ thể mẹ tăng cao để đốt cháy nhiều năng lượng hơn. Lượng hô hấp cũng cần tăng. Nhưng trong lúc nhất thời cơ thể mẹ còn chưa thích ứng kịp nên có hiện tượng khó thở và thân nhiệt cao. Có nhiều mẹ có thể nhầm bản thân mình bị ốm. Nếu hiện tượng này kéo dài hơn 2 tuần thì bạn cần đến bác sĩ để có kết quả chính xác nhất.
Thu Trang (tổng hợp)