Tin mới

Những điểm mới của dự luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Thứ bảy, 24/10/2020, 07:58 (GMT+7)

Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có những điểm mới liên quan đến việc quản lý, sát hạch giấy phép lái xe, quy định trừ điểm, giảm bớt hành vi tước bằng lái xe.....

Theo tin tức trên Vnexpress, Tuổi trẻ, ngày 24/10, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có những điểm mới liên quan đến việc quản lý, sát hạch giấy phép lái xe, quy định trừ điểm, giảm bớt hành vi tước bằng lái xe...... Cụ thể:

Dự luật quy định trừ điểm, giảm bớt hành vi tước bằng lái xe. Với nội dung này, Bộ Công an đã tiếp thu, bổ sung điểm mới so với các dự thảo lần trước như: Quy định "trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp quản lý hành chính nhà nước không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, dự luật bổ sung giấy phép lái xe sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm người lái xe nếu có nhu cầu cấp giấy phép lái xe mới, phải sát hạch lại; giấy phép lái xe còn điểm được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kế tiếp.

Dự kiến 12 điểm trong giấy phép lái xe được số hóa, người vi phạm sẽ bị trừ điểm ngay sau khi vi phạm, bị cảnh sát lập biên bản. Số điểm bị trừ sẽ báo vào điện thoại và tài xế có thể thường xuyên tra trên hệ thống để biết được mình còn bao nhiêu điểm.

Ảnh minh họa, Internet

Thanh tra giao thông sẽ không được dừng xe xử lý vi phạm cũng là điểm mới của dự luật. Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, Thanh tra giao thông có quyền dừng xe xử lý vi phạm với 4 lỗi trên đường. Dự thảo luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông quy định việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ do cảnh sát giao thông đảm nhiệm.

Ngoài các hành vi này, Thanh tra được xử lý vi phạm tĩnh như dừng đỗ, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông...

Theo dự luật, Bộ Công an đề xuất đảm nhiệm việc quản lý, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe. Hiện công việc này do Bộ Giao thông Vận tải đảm nhiệm. Đại diện Cục Cảnh sát giao thông lý giải, đề xuất này căn cứ trên thực tiễn công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe bộc lộ nhiều bất cập, trong khi đó trung bình mỗi năm có gần 10.000 người chết do tai nạn giao thông, hàng trăm nghìn người thương tật suốt đời nhưng không phân định rõ đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm. "Nếu Bộ Công an tiếp quản sát hạch, đào tạo lái xe thì sẽ chịu trách nhiệm chính khi xảy ra Tai nạn giao thông", vị này nhấn mạnh.

Qua 4 lần sửa đổi, tiếp thu, trong bản dự thảo mới nhất trình Quốc hội, Bộ Công an cũng đưa ra các giải pháp cụ thể hơn như nhấn mạnh đến kỹ năng lái xe trên đường giao thông công cộng và coi đây là căn cứ quan trọng nhất, chiếm thang điểm cao nhất để đánh giá kết quả sát hạch lái xe; chương trình đạo tạo cũng sẽ bắt buộc học viên phải học kiến thức về sơ cứu ban đầu tai nạn giao thông, kiến thức và kỹ năng phòng ngừa tai nạn; người dân sẽ không phải tự bảo quản, lưu trữ hồ sơ gốc như hiện nay...

Người dân được mua bán, chuyển nhượng biển số xe sau đấu giá. Bộ Công an đã tiếp thu góp ý và bổ sung về quyền của chủ biển số ôtô sau khi đấu giá thành công. Theo đó, chủ biển số có thể bán, chuyển nhượng lại và có đầy đủ các quyền sở hữu, chiếm hữu, định đoạt theo Luật dân sự 2015. Nội dung này không được quy định ở những dự thảo lần trước.

Dự thảo quy định 11 hạng giấy phép lái xe. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định giấy phép lái xe có 13 hạng. Tuy nhiên trong dự luật này đã bỏ hạng A4 cấp cho người điều khiển máy kéo có trọng tải dưới 1.000 kg, hạng B1, B2 (gộp thành hạng B) cấp cho cả người hành nghề và không hành nghề lái xe ôtô chở người đến 9 chỗ, xe ôtô tải có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg. Hiện trong Luật giao thông đường bộ sửa đổi không còn quy định nội dung này.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news