Ở thời đại văn minh của loài người nhưng ở đâu đố trên khăp thế giới vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu và đáng sợ của các bộ tộc. Họ có một niềm tin mù quáng nào đó vào thần thánh để giết chết những đứa trẻ tội nghiệp trong nghi lễ hiến tế.
Ném trẻ con cho cá sấu…ăn thịt
Hủ tục này xảy ra thung lũng Omo, miền nam Ethiopia. Quan niệm về những đứa trẻ đáng nguyền rủa hay còn gọi là “mingi” vẫn còn tồn tại trong cuộc sống của người dân bộ tộc Hamer và Bana. Người lớn tuổi ở đây khẳng định rằng những đứa trẻ mingi phải bị giết trước khi chúng mang những điều xấu đến cho bộ lạc.
Những đứa trẻ bị gọi là “mingi” khi bố mẹ chúng lỡ đắc tội với trưởng tộc hay khi chúng chào đời có bất kỳ khiếm khuyết nào trên cơ thể.
“Nếu chiếc răng đầu tiên mọc ở hàm trên chứ không phải hàm dưới, đứa trẻ đó sẽ bị coi là mingi. Người dân trong bộ lạc sẽ bỏ rơi chúng trong bụi rậm mà không cho thức ăn và nước uống hoặc là họ sẽ quẳng chúng từ vách đá xuống giữa dòng sông cho bầy cá sấu ăn thịt”, nhiếp ảnh gia Eric Lafforgue cho biết. Eric đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về các bộ lạc Karo và Hamer.
Mặc dù chính phủ Ethiopia đã cố gắng ngăn cấm hủ tục này nhưng mỗi ngày, những đứa trẻ vẫn bị quẳng cho cá sấu, linh cẩu ăn thịt hay bị bỏ đói cho đến chết.
Nghi lễ hiến tế trẻ em của người Minoan
Minoan là một nền văn minh ở đảo Crete (ngoài khơi Hi Lạp) và phát triển trong thời đồ đồng từ năm 3000 đến 1100 trước CN. Đây vốn được coi là nền văn minh phát triển sớm nhất châu Âu, hệ thống chữ viết của họ (được gọi là Linear A) tới nay vẫn chưa được giải mã. Dù nền văn minh này xuống dốc khá nhanh sau vụ phun trào núi lửa phá hủy gần như toàn bộ đảo Crete, các nhà khảo cổ tin rằng người Minoan là những người rất thông minh và đầy quyền lực, sở hữu các công nghệ tiên tiến thời đó và đề cao sự bình đẳng giới.
Nhưng ngay cả những nền văn hóa yên bình nhất cũng có những phong tục dã man. Ở khu vực Knossos, có những bằng chứng về việc hiến tế trẻ em và ăn thịt người. Các bức họa thời đó mô tả các nghi lễ tôn giáo, bao gồm cả việc hiến tế con người để dâng lên các vị thần. Trong một ngôi nhà của người Minoan, người ta khai quật được một ngôi mộ tập thể toàn trẻ em. Da thịt của chúng đã bị lột sạch, có thể là do nghi lễ ăn thịt người. Những bằng chứng khác chỉ ra những giáo phái xuất hiện khi xã hội bắt đầu đi xuống. Đó có thể là nguyên nhân làm gia tăng các nghi lễ thường gặp đồng thời khiến họ tiến hành ngày càng nhiều các vụ hiến tế để đối phó với thảm họa thiên nhiên.
Giết chết bé gái sơ sinh ở Ấn Độ
Theo một tạp chí nghiên cứu y khoa của Anh quốc, The Lancet, có đến nửa triệu bào thai nữ bị hủy bỏ hàng năm ở Ấn Độ.
“Các bé gái thường được chôn ở sa mạc và không một ai trong gia tộc được phép thắc mắc và tỏ ra thương tiếc, chúng tôi không thể xới tung sa mạc lên chỉ để tìm ra tung tích các bé gái,” Mamta Bishnoi, sĩ quan cảnh sát cấp cao của Jaisalmer nói.
Tình trạng này đã phản ánh một sự khủng hoảng trên toàn nước Ấn Độ, nơi luôn có sự phân biệt nam – nữ bởi hủ tục đề cao sự quan trọng của những người con trai trong những tang lễ của Hindu giáo.
Những nhà sử học địa phương cho rằng tình trạng giết chết trẻ sơ sinh nữ có thể bắt nguồn từ quá khứ. Đó là thời điểm những cuộc chiến sắc tộc giữa người Ấn độ giáo và Hồi giáo xảy ra ở khắp nơi. Khi đó, những trưởng lão của gia tộc Rajput Hindu đã có giải pháp rất tàn ác là giết hết những người con gái của mình để cứu họ khỏi việc bị hãm hiếp bởi những phần tử Hồi giáo cực đoan.
Những kẻ tấn công Hồi giáo ấy đã đến những ngôi làng Hindu để hiếp dâm, trấn lột của cải. “Cảm thấy không thể chịu được những nỗi nhục, ô danh, những người Rajputs đã chọn giải pháp giết những người con gái của mình,” Umashankar Tyagi, một nhà sử học xã hội ở Jaipur, thủ phủ bang Rajasthan phát biểu trên AFP.
Trong thời bình, điều này vẫn chưa hề thuyên giảm, Tyagi giải thích: “Do nghèo nàn, nạn mù chữ, cái đói, tục giết chết trẻ sơ sinh vẫn chưa thể ngừng tại nơi đây.”
Giết trẻ bạch tạng lấy nội tạng hiến tế
Ngày 25/8 vừa qua, Liên Hợp Quốc đã lên án việc những trẻ em bị bạch tạng bị ngược đãi tại các trung tâm chăm sóc của chính phủ Tanzania.
Kể từ năm 2000, đã có ít nhất 74 bệnh nhân bạch tạng bị giết tại quốc gia châu Phi này. Sau khi số người bị sát hại lên đến đỉnh điểm vào năm 2009, chính phủ đã đưa những đứa trẻ vào các trung tâm chăm sóc trẻ em trong nỗ lực tuyệt vọng để bảo vệ chúng.
Những kẻ giết hại các bệnh nhân bạch tạng rất hiếm khi bị xử tội ở Tanzania hay bất cứ quốc gia châu Phi.
Và những vụ tấn công này lại đang có xu hướng tăng lên bởi tháng 10/2015 sẽ là lúc tiến hành cuộc bầu cử tổng thống ở Tanzania, và những người tham gia vận động tranh cử sẽ có nhu cầu tìm đến những thầy pháp để nhận sự hỗ trợ.
Và để làm lễ cầu may cho các “ứng cử viên này” thầy pháp cần đến những bộ phận trên cơ thể của người bệnh bạch tạng.
Các bộ phận này được mua bán với giá khoảng 600 USD/bộ phận, hoặc 75.000 USD/toàn bộ cơ thể.
Thoa Nguyễn (tổng hợp)
Theo Nguoiduatin
Xem thêm video: Nhật ký từ tâm dịch Ebola của một nữ y tá