Trong suốt lịch sử tham dự V-League của Thanh Hóa, người ta luôn biết đến hình ảnh có rất nhiều khán giả, CĐV phải chọn cho mình chỗ ngồi để xem và cổ vũ cho đội nhà trên nóc nhà, hoặc sân thượng các nhà dân phía ngoài sân vận động, và nơi đây được ví như “khán đài C” của sân Căng-sít-tát với những chuyện khá thú vị.
Sân Thanh Hóa vốn được người dân xứ Thanh gọi là “Căng-sít-tát”, cái tên đã có từ thời kháng chiến chống Pháp. Sân chỉ có sức chứa khoảng 12.000 người và tất cả chỗ ngồi đều chỉ ở trên 2 khu khán đài A và B mà không có khu C và D như những sân bóng hiện đại khác. Trải qua thời gian, cùng với sự lớn mạnh của bóng đá Thanh Hóa, sự hâm mộ và cuồng nhiệt của khán giả xứ Thanh thì ai trên cả nước cũng biết đến.
“Đặc sản” ở sân Thanh Hóa
Vì thế, bên cạnh việc cháy hết mình trên các khán đài A và B, cũng có không ít người đã phải chọn cho mình những vị trí xem bóng đá trên sân thượng của nhiều nhà dân trên đường Lê Quý Đôn, phía ngoài sân vận động. Đây đã trở thành hình ảnh quá quen thuộc và gần như trở thành “đặc sản” ở Thanh Hóa.
Anh Nguyễn Công Hoàn, ở phố Nguyễn Trãi (TP.Thanh Hóa) cho biết: “Vẫn biết việc vào sân cổ vũ cho đội nhà luôn là ưu tiên số một, nhưng vào thời điểm Thanh Hóa đang thi đấu tốt hay gặp những đội mạnh, việc kiếm được một tấm vé không hề đơn giản.
Vì tình yêu và mong muốn theo dõi các cầu thủ con cưng của Thanh Hóa thi đấu, tôi và nhóm bạn của mình thỉnh thoảng cũng chọn phương án ngôi trên sân thượng của một số nhà dân phía ngoài sân vận động để xem”.
Thực tế, anh Hoàn và nhóm bạn của mình thường chọn sân thượng hoặc lan can rộng trên tầng cao của một số quán bia trên đường Lê Quý Đôn để vừa thưởng thức bóng đá vừa nhấm nháp bia với mồi.
Tuy vậy, ở thời điểm những trận cầu nóng bỏng, đặc biệt là nếu diễn ra vào mùa hè, thì nơi được ví như “khán đài C” của sân Thanh Hóa luôn chật kín. Rất nhiều người đã bất chấp sự nguy hiểm để đứng chen chúc trên sân thượng suốt 2 tiếng đồng hồ để theo dõi đội nhà.
Mạo hiểm vì tình yêu bóng đá
Xét ở một góc độ khác, đây cũng là cơ hội làm ăn của một số hộ dân phía ngoài sân vận động. Không chỉ “trúng quả” với dịch vụ gửi xe, nhiều hộ dân đã bán vé lên sân thượng xem bóng đá cho những ai có nhu cầu. Ban đầu chỉ là vài nghìn, mươi nghìn rồi có thể lên tới 20-30 nghìn đồng tùy theo sức nóng của từng trận đấu và cao điểm của mùa giải. Dù vậy, sức nóng từ “khu C” này cũng không kém gì so với các khu A và B trên sân vận động.
Theo phản ánh từ một số hộ dân, trong đó có khá nhiều quán bia hơi và giải khát, thực ra ban đầu họ không có ý định kinh doanh, hay kiếm lời gì từ việc đưa khán giả lên sân thượng xem bóng đá.
Tuy vậy, từ thực tế nhu cầu và đề nghi của một số người dân, các hộ mới bố trí bàn ghế và những dịch vụ kèm theo như bia, nước giải khát, cafe để phục vụ các thượng đế.
Anh Thái, chủ quán bia Thái Râu, trên đường Lê Quý Đôn cho biết: “Tôi cũng chỉ dám đưa số lượng người vừa đủ với diện tích trên lan can và sân thượng vì lo sợ sẽ không an toàn, tuy nhiên có nhiều trận đấu, cũng không để đáp ứng được nhu cầu của khán giả”.
Bao giờ sân Thanh Hóa mới có khán đài C, D thực sự?
Được biết, tỉnh Thanh Hóa đã có quy hoạch khu liên hợp thể thao mới của tỉnh với quy mô và diện tích khá lớn ở phía đông nam TP.Thanh Hóa. Theo dự kiến, một sân vận động mới sẽ được xây ở đây với sức chứa có thể lên tới 35.000 chỗ ngồi.
Tuy nhiên để có được sân bóng này, chắc hẳn người hâm mộ bóng đá Thanh Hóa sẽ còn phải chờ khá lâu, do đó việc sân Căng-sít-tát luôn phải gồng mình qua mỗi trận đấu là khó tránh khỏi và những người vất vả nhất chính là BTC sân, khi sức chứa của sân chỉ đáp ứng được một phần so với nhu cầu và sự cuồng nhiệt của khán giả Thanh Hóa.
Những hình ảnh trên “khu C” sân Thanh Hóa đã trở thành “đặc sản” của xứ Thanh, mà nhiều sân bóng khác với những khán đài trống vắng, hoặc thưa thớt khán giả phải ghen tị. Tất cả bắt nguồn từ sự hâm mộ, tình yêu bóng đá, mong muốn tiếp thêm sức mạnh cho đội nhà giành chiến thắng của CĐV Thanh Hóa.
Khánh Hưng