Tin mới

Những lầm tưởng về CCCD gắn chip khiến người dân mất thời gian

Chủ nhật, 09/10/2022, 14:14 (GMT+7)

Dưới đây là những lầm tưởng khiến người dân đi làm CCCD gắn chíp mất nhiều thời gian.

Đến đúng nơi thường trú làm CCCD gắn chip

Từ 1/7/2021, Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia về dân cư đã chính thức hoạt động và thu thập đầy đủ thông tin của công dân. Do đó, người dân không cần phải về địa phương nơi đăng ký thường trú để được xác minh nhân thân và làm thẻ Căn cước.

Theo quy định tại Điều 26 Luật Căn cước công dân 2014, 4 cơ quan sẽ có thẩm quyền cấp CCCD gồm cơ quan quản lý CCCD của Bộ Công an; cơ quan quản lý CCCD của Công an cấp tỉnh; cơ quan quản lý CCCD của Công an cấp huyện và cơ quan quản lý CCCD có thẩm quyền tổ chức cấp thẻ Căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

Do đó, người dân không cần phải mất thời gian về nơi thường trú để làm CCCD gắn chip mà có thể thực hiện ngay tại nơi đang sinh sống, nơi tạm trú để làm một cách nhanh nhất.

Bên cạnh đó, người dân còn có thể đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Làm được CCCD gắn chip phải có sổ hộ khẩu

Theo Điều 22 Luật Căn cước công dân 2014, khi tiến hành cấp CCCD, cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ đối chiếu thông tin của công dân trong Tờ khai căn cước công dân với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, không có sổ hộ khẩu thì người dân vẫn được làm CCCD gắn chip như bình thường.

Nếu thông tin đầy đủ, trùng khớp và chính xác thì sử dụng luôn thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp thẻ còn nếu công dân chưa có thông tin trên  Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc thông tin đã có sự điều chỉnh thì công dân phải xuất trình các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh nhân thân như Giấy khai sinh, Sổ tạm trú, Hộ chiếu… mà không bắt buộc phải là Sổ hộ khẩu.

Làm CCCD gắn chip không cần đến sổ hộ khẩu. Ảnh minh họa
Làm CCCD gắn chip không cần đến sổ hộ khẩu. Ảnh minh họa

Phải đến trực tiếp tại cơ quan Công an điền tờ khai

Để làm CCCD gắn chíp, người dân không cần phải đến trực tiếp cơ quan Công an để điền vào tờ khai mà có thể điền trước thông tin cá nhân trên tờ khai trực tuyến và đăng ký lịch làm CCCD gắn chip qua Cổng dịch vụ công quản lý cư trú. Điều này không chỉ giúp người dân chủ động được về thời gian đến làm thẻ mà còn cắt giảm được thủ tục khai thông tin khi đến cơ quan Công an. 

Những lợi ích của CCCD gắn chíp người dân cần biết

Theo đó, trên báo Thanh Niên đưa tin thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM nói trong buổi họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế hồi tháng 7 rằng người dân nên đổi sang CCCD gắn chip vì 3 lý do:

Thứ nhất, CCCD gắn chip có tính năng ưu việt là tính bảo mật cao, tránh được giả mạo, thuận lợi cho giao dịch, ký hợp đồng quốc tế do có song ngữ Anh - Việt. Khi giao dịch với người có thẻ CCCD gắn chip sẽ yên tâm hơn, tránh được các trường hợp lừa đảo, giả mạo, dùng giấy tờ giả để vi phạm pháp luật.

Thứ 2, chỉ có CCCD gắn chip thì người dân mới tạo được tài khoản định danh điện tử, dễ dàng thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm thời gian đi lại… mà CCCD mã vạch không thực hiện được. Mặt khác, trong thời gian tới, CCCD gắn chip ngày càng tích hợp được nhiều tính năng tiện ích như rút tiền, khám chữa bệnh…

Thứ 3, việc làm CCCD gắn chip chính là hành động giúp TP.HCM, ngành công an và Chính phủ hoàn thành đề án 06, xây dựng chính phủ số, xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, làm giàu dữ liệu cho các ngành...

Được biết, luật CCCD năm 2014 quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ CCCD. Thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news