Tết là thời khắc hiếm hoi trong năm mọi người trong gia đình đều đông đủ, quây quần. Người ta mặc định, dù đi đâu thì Tết cũng phải trở về bên gia đình. Thế nhưng, có những người lại đi trốn Tết.
Bài 1: Tết nhạt
Phong 26 tuổi, lớn lên tại một huyện miền núi tỉnh Cao Bằng, hiện đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội.
Ngày 28 Tết, thay vì gói ghém quần áo, lình kỉnh túi to túi nhỏ quà cáp về cho gia đình người thân thì anh chàng lại xách ba lô, đóng giáp, dắt chiếc máy ra hiệu sửa xe đầu ngõ chỉnh trang lại "sức khỏe" để chuẩn bị cho hành trình của mình.
Phong dự định chiều 28 sẽ xuất phát, điểm đến sẽ là Hòa Bình - Mai Châu - Mộc Châu (Sơn La) – Điện Biên – Lai Châu – Lào Cai.
Lý do khiến Phong không về Tết chỉ đơn giản một từ: Nhạt.
Hành trang trốn Tết của Phong là chiếc xe máy và ba lô. |
Phong cũng chẳng thể định nghĩa hay phân tích rõ ràng cái nhạt đó. Với cậu, đơn giản chỉ vì tết nhạt.
Phong kể, trước Tết cậu về nhà vài ngày và ngỏ ý xin gia đình cho "trốn Tết". Ban đầu, mẹ cậu phản đối dữ lắm nhưng sau cũng đành đồng ý. Vì chắc chắn, chẳng người mẹ nào lại không mong gia đình đông đủ trong ngày Tết.
Phong chia sẻ, cậu không có nhiều bạn ở quê, nhất là từ khi đi học đại học rồi ở lại Hà Nội làm việc chẳng mấy khi cậu về nhà. Bạn bè chơi cũng chỉ ở mức xã giao, mỗi lần về nhà Phong thấy lạc lõng ngay tại nơi mình đã lớn lên. Tất cả mọi thứ vẫn thân thuộc nhưng dường như không còn thuộc về cậu nữa.
Phong lạc lõng giữa bạn bè mỗi lần đi họp lớp, bơ vơ giữa câu chuyện của mọi người mà mình chẳng có điểm chung. Sau mỗi câu chào xã giao cậu lại ngồi ôm lấy cái Smartphone để lướt Facebook vì chẳng biết nói chuyện gì với đám bạn.
Hoài niệm về Tết, Phong còn nhớ như in ngày xưa cũ. Khi đó, cả gia đình sống trong căn nhà cấp 4 vỏn vẹn 25m2, cái nghèo khó vây lấy gia đình 4 người nhưng Tết đến lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười vang ròn như tiếng pháo.
Dường như trong cái nghèo cái khó, người ta gắn bó với nhau hơn, chia sẻ nhiều với nhau và trân trọng hơn những giá trị cả vật chất và tinh thần.
Ngày đó, thấy thèm Tết lắm, vì chỉ đến Tết mới được mua quần áo mới, mới được thỏa thích ăn kẹo, ăn bánh chưng, ăn thịt gà... chứ chẳng như bây giờ.
Giờ cái gì cũng vội, sống vội, nghĩ vội, người ta gặp nhau cũng vội và Tết cũng vội.
Với Phong, Tết giờ đầy đủ nhưng không ấm áp và nhạt hơn tết xưa. Ảnh minh họa |
Lý giải cho việc đi trốn Tết, Phong cho hay, cậu có người bác ở Mộc Châu vậy nên gia đình cũng đồng ý cho Phong tới đó ăn Tết. Cậu dự định, sẽ đón giao thừa cùng gia đình người bác, trải nghiệm một năm Tết xa nhà để tìm lại những giá trị cảm xúc ngày xưa.
Sáng hôm sau, Phong sẽ lại tiếp tục hành trình định sẵn của mình.
"Có người bảo em điên, nhưng em có lý do của mình. Em có một gia đình luôn đứng sau ủng hộ, mọi thành viên còn khỏe mạnh nên em có thể an tâm làm những việc điên rồ. Chứ vài năm nữa muốn cũng chẳng làm được. Hơn nữa em muốn trải nghiệm Tết xa nhà nó sẽ như thế nào. Em nghĩ em không mất, vì em có gia đình luôn đứng phía sau. Biết đâu sau những chuyện thế này em sẽ trưởng thành hơn, biết trân trọng mọi thứ hơn" - Phong nói.
Nhiều bạn trẻ chọn cách đi du lịch để trốn Tết. |
Cũng đi trốn Tết như Phong, nhưng Ngọc Linh (28 tuổi, quê Hải Phòng) lại chọn cách làm khác. Hành trình cô gái bắt đầu từ mùng 4 Tết, và điểm đến là Đà Nẵng.
Đã 3 năm nay Linh chọn cách đi du lịch để trốn Tết. Lý do mà Linh đưa ra cũng giống với Phong: Tết nhạt.
Cô dự định, mùng 1 sẽ cùng bạn bè đi chơi tết, mùng 2 thăm ông bà nội, mùng 3 ông bà ngoại và khởi hành.
Linh cho biết, Tết là dịp hiếm hoi được nghỉ dài trong năm, vì vậy, cô dành thời gian đi du lịch, xả hơi cho một năm vất vả. Với cô, Tết chỉ gói gọn trong 3 ngày đó, những ngày còn lại nếu không đi đâu thì cũng chỉ nằm nhà đợi đến ngày đi làm trở lại.
"Tết giờ chẳng như ngày xưa, nhạt nhẽo, chẳng vui" - Linh thở dài. Có lẽ vì vậy, cô chọn cách đi "trốn", thuật ngữ mà giới trẻ ngày nay thường sử dụng.
Có lẽ chẳng riêng gì Phong, Linh, mà nhiều người đều cảm thấy ngày Tết bây giờ "nhạt", không còn vui tươi như ngày ta còn bé. Chẳng còn thấy háo hức như xưa. Tuy nhiên, để phân tích hay định nghĩa nó nhạt thế nào thì cũng thật khó để nói. Nhưng đa phần chúng ta đều cảm thấy nó "nhạt".
Một phần có lẽ bởi vì cuộc sống ngày nay đủ đầy hơn ngày trước, những cái áo mới có thể mua hằng ngày, kẹo bánh, bánh trưng thèm là có.
Cuộc sống hiện đại, sung túc nhưng lại khiến người ta vội vàng hơn, sống gấp hơn, và mưu toan hơn. Còn người như 1 guồng máy, cứ thế quay, quay vội quay vàng kể cả trong những ngày Tết. Nếu có một khoảng lặng, có thể chúng ta sẽ lại thấy Tết chẳng bao giờ nhạt, Tết luôn ý nghĩa nhất là bên người thân. Nhưng, đôi khi ta phải có khoảng lặng đó để nhìn lại, như Phong, như Linh... có lẽ họ đang tìm khoảng lặng cho riêng mình.
Kim Ngưu