Tin mới

Những người tử vong vì nhiễm COVID-19 sẽ được xử lý thế nào?

Thứ bảy, 01/08/2020, 14:10 (GMT+7)

Bộ Y tế đã có những hướng dẫn ban hành với những trường hợp tử vong vì COVID-19. Theo đó, thi thể của những ca tử vong này sẽ được khâm liệm và khử khuẩn với những biện pháp nghiêm ngặt để tránh lây nhiễm.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 3 ca tử vong vì Covid-19. Cả 3 ca bệnh này đều có bệnh lý nền nặng, bao gồm:

- BN499: bệnh nhân nữ bị ung thư máu (leucemia), sinh năm 1952. Ngày 28/7 tại Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng với chẩn đoán mắc bạch cầu cấp dòng tủy kháng trị, đái tháo đường, tăng huyết áp. Nữ bệnh nhân điều trị ung thư máu tại khoa Nội Thần kinh. Sau đó, BN có ho và sốt, đến tái khám tại bệnh viện và được ghi nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 ngày 23/7. 4h55 sáng nay (1/8), bệnh nhân 499 ngừng tuần hoàn, hô hấp và được xác nhận tử vong. Nguyên nhân tử vong của bệnh nhân: ung Thư Đường máu ác tính không đáp ứng hoá chất giai đoạn cuối, viêm phổi nặng và COVID-19.

Việt Nam đã ghi nhận 3 ca tử vong vì dịch COVID-19. Ảnh: Internet

>>> Xem thêm: Việt Nam có ca mắc Covid-19 thứ 3 tử vong

BN437: Bệnh nhân nam, 61 tuổi, ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. BN bị suy thận mạn giai đoạn cuối, chạy thận nhân tạo chu kỳ 7 năm, tăng huyết áp, gout, rung nhĩ, suy tim, phù phổi cấp. Ngày 27/7, ông được phát hiện nhiễm COVID-19. Chiều ngày 31/7, BN tử vong. Nguyên nhân tử vong được xác định là sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, ngừng tuần hoàn hô hấp trên bệnh nhân viêm phổi, suy thận mạn đang chạy thận định kỳ, kèm tăng huyết áp, gout và mắc Covid-19.

>>> Xem thêm: Bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 2 tử vong

BN428: Ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 tại Việt Nam là nam, 70 tuổi, ở phường Minh An, TP Hội An, Quảng Nam. Bệnh nhân có tiền sử suy thận mạn, chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần trên 10 năm. Ngày 26/7, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng, kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân tử vong lúc 5h30 ngày 31/7. Nguyên nhân tử vong được xác định là nhồi máu cơ tim trên bệnh nhân có bệnh lý nền tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim, suy thận mạn giai đoạn cuối, biến chứng suy hô hấp do suy tim và Covid-19.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

>>> Xem thêm: Bộ Y tế: Ca nhiễm Covid-19 thứ 428 qua đời do có nhiều bệnh nền

Dịch COVID-19 được xét với tính chất bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo Điều 18 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, những người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A tử vong thì thi thể phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ.

Theo Quyết định 468 được Bộ Y tế ban hành ngày 19/2/2020, thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 sẽ được phun dung dịch khử khuẩn chứa Clo, vải liệm quấn thi thể cũng được tẩm dung dịch khử khuẩn trước khi sử dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thi thể sẽ được quấn 2 lớp vải co-ton đã được tẩm dung dịch khử khuẩn Clo và bọc kín bằng lớp ni-lon chuyên dụng bên ngoài. Sau khi hoàn tất, thi thể sẽ được dán nhãn cảnh báo “Thi hài nhiễm COVID-19” phía bên ngoài.

Thi hài được vận chuyển đến nơi hỏa táng hoặc mai táng bằng xe chuyên dụng. Người nhà bệnh nhân không được đi chung xe, chỉ nhân viên y tế với trang bị bảo hộ chuyên dụng mới được đi cùng. Việc hỏa táng, mai táng phải thực hiện trong thời gian sớm nhất sau khi bệnh nhân tử vong.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Toàn bộ khu vực hỏa táng và mai táng phải được phong tỏa, khử khuẩn toàn bộ các bề mặt trước và sau khi thực hiện hỏa táng, mai táng.

Trong trường hợp mai táng, thi hài phải được chôn cất trong thời gian sớm nhất, tại khu vực cao, không bị ngập úng. Quan tài đặt xuống huyệt phải được khử khuẩn bằng Clo hoặc dung dịch khử khuẩn Clo, hoặc rắc vôi bột xung quanh thành huyệt, đáy huyệt. Trước khi lấp đất phải rắc hóa chất khử khuẩn chứa Clo hoặc phun dung dịch khử khuẩn.

Toàn bộ quy trình mai táng, hỏa táng bệnh nhân tử vong do COVID-19 đều được thực hiện bởi nhân viên y tế đã được trang bị phương tiện phòng hộ theo đúng quy định phòng chống dịch COVID-19.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news