Không sử dụng phanh tay khi dừng đỗ
Đây là thói quen khá phổ biến khi dừng đỗ xe, nhiều người quen về số tắt máy và không cài phanh tay, có thể khiến chiếc xe bị trôi gây nguy hiểm cho người xung quanh hay trẻ em bên trong xe. Ngoài ra, theo khuyến cáo của nhiều hãng xe, nên kéo phanh tay rồi hãy chuyển về số P thay vì làm ngược lại để đảm bảo các chi tiết cơ khí của hộp số hoạt động hoàn hảo.
Thường xuyên để bình nhiên liệu cạn
Đây là vấn đề chung nhiều người mắc phải. Bên trong nhiên liệu không hẳn sạch sẽ 100% mà vẫn có lẫn các hạt tạp chất nhỏ, thường xuyên để cạn bình dễ dẫn tới lắng đọng các tạp chất và có thể gây nghẹt bơm hay kim phun nhiên liệu hoặc hư hại chế hòa khí do kẹt phao xăng. Một vấn đề nữa khi nhiên liệu cạn, lực hút sẽ mạnh hơn do trong bơm nhiên liệu hút theo một phần không khí, có thể gây kích nổ bên trong họng nạp và dẫn tới hiện tượng động cơ làm việc giật cục.
Đột ngột chuyển từ số lùi R sang số tiến D với xe số tự động
Đây là vấn đề phổ biến trên xe số tự động. Nếu xe chưa dừng hẳn mà đột ngột chuyển số sẽ làm cho các bánh răng số bị phá vỡ do mô-men xoắn bị đảo chiều đột ngột gây hư hỏng nghiêm trọng trong hộp số và chi phí thay thế sẽ vô cùng đắt đỏ.
Rồ ga khi động cơ chưa nóng đến mức cần thiết
Ở một số dòng xe hiện đại có chức năng không cho phép ga khi chưa đạt đủ nhiệt độ cần thiết cho máy, cũng là để đảm bảo các chi tiết có thể được bôi trơn đầy đủ. Tuy nhiên rất nhiều người có thói quen nổ máy và chạy ngay, đây là thói quen gây hại về mọi mặt bởi khi máy còn nguội dầu nhớt chưa lưu thông, các chi tiết chưa được bôi trơn cũng như động cơ chưa đạt đủ nhiệt độ để giãn nở đều, do đó ma sát giữa các chi tiết lúc này là lớn nhất và hao mòn theo đó cũng là lớn nhất. Nổ máy và chạy ngay sẽ khiến khối động cơ sớm xuống cấp nghiêm trọng và gây nhiều phiền toái cho chủ nhân.
Đạp hết ga khi không cần thiết
Vấn đề thốc ga liên tục khiến cho chiếc xe hoạt động không trơn tru, các chi tiết liên tục bị thay đổi nhiệt độ lẫn trạng thái làm việc dẫn đến độ bền của động cơ sẽ bị giảm, hơn nữa việc dạp thốc ga liên tục sẽ khiến cho mức tiêu thụ nhiên liệu tăng vọt. Đi kèm với thốc ga là sẽ phải phanh nhiều hơn gây hao mòn không cần thiết, một số trường hợp dễ gây nguy hiểm cho người lái cũng như người tham gia giao thông xung quanh.
Lạm dụng chân côn quá nhiều
Việc lạm dụng chân côn sẽ khiến bộ côn mau xuống cấp. Thông thường nhiều người lầm tưởng việc ngắt côn liên tục sẽ khiến chiếc xe chạy êm hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Đây là một sai lầm bởi việc này vô tình sẽ khiến cho hệ thống li hợp nhanh xuống cấp, má côn nhanh mòn và bố côn nhanh hư hỏng. Việc ngắt côn liên tục không giúp cho chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu hơn mà còn khiến chiếc xe nhanh hư hại hơn. Ngay cả khi dừng đèn đỏ, nhiều người vẫn cài số và giữ côn thay vì phải về N và thả côn để giữ được độ đồng tốc cũng như bảo vệ lá côn.
Tì tay lên cần số
Đây là bệnh chung rất nhiều người mắc phải. Thói quen tưởng như vô hại này có thể khiến cho chủ nhân chiếc xe gặp nạn trong một vài tình huống nguy hiểm. Việc giữ tay lên cần số (tự động) không chỉ đè nặng lên khớp chuyển mà trong một vài tình huống có thể làm cho chiếc xe bị nhảy số hay về N đột ngột. Việc nhảy số khi đang di chuyển ở tốc độ cao sẽ khiến các bán răng hộp số hư hại và gây nguy hiểm trực tiếp cho người lái xe.
Chở đồ quá nặng
Thường xuyên chở quá tải khiến động cơ phải làm việc ở trạng thái “căng” nhất, sinh ra nhiều nhiệt, ma sát nhất dù xe di chuyển ở tốc độ thấp hơn tính toán, dẫn đến khả năng tản nhiệt khó đáp ứng với điều kiện làm việc của động cơ. Chưa kể việc chở quá nặng còn khiến động cơ bị gằn, tiêu hao nhiều nhiên liệu cũng như bộ côn luôn phải chạy quá tải, sẽ khiến cho các chi tiết này sớm phải thay thế.
Rà phanh khi xuống dốc
Thói quen không hãm số mà sử dụng phanh liên tục khi xuống dốc thường bắt gặp ở các tài xế mới lái, hành động này sẽ khiến cho dầu phanh trong ống nhanh bị sôi, má phanh bị quá nhiệt và chai gây mất khả năng phanh cũng như đĩa phanh tím lại và mất khả năng ma sát. Tất cả các hiện tượng trên sẽ dẫn đến việc hệ thống phanh mất tác dụng, điều đặc biệt nghiêm trọng khi đang đổ đèo.
Phớt lờ các tín hiệu cảnh báo và không thực hiện bảo dưỡng định kì
Một số chi tiết trên xe sẽ hư hại theo thời gian và cần thay mới, hay khi chiếc xe gặp một sự cố nào đó sẽ hiển thị và báo hiệu trên bảng đồng hồ. Bỏ qua các chi tiết này sẽ khiến cho hư hại ngày một nghiêm trọng hơn, và từ đó sẽ phát sinh thêm nhiều hư hại khác. Điều này không chỉ tiêu tốn của chủ nhân hàng đống tiền mà còn trực tiếp gây nguy hiểm cho mọi người khi tham gia giao thông.
Không thắt dây an toàn hay sử dụng điện thoại khi lái xe
Đây là 2 lỗi phổ biến nhất và hầu như thường thấy khi tham gia giao thông ở Việt Nam, có thể trực tiếp gây tai nạn không chỉ cho chủ nhân chiếc xe mà còn cho mọi người xung quanh. Thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến vấn đề này và đã được rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin.
Trang Vũ (Tổng hợp)