Có lẽ đây là sự kiện hy hữu và đầu tiên trên thế giới khi nữ học trò dùng tiêm kích Su-27 bắn hạ chính thầy giáo của mình đang bay trên MiG-29.
Cuộc chiến lúc căng thẳng, lúc âm ỉ
Sau 30 năm liên tiếp chiến tranh đòi độc lập, cuối cùng vào năm 1991, Eritrea đã tách khỏi Ethiopia và trở thành quốc gia riêng rẽ.
Thế nhưng, đường biên giới giữa 2 nước lại là nỗi nhức nhối khiến các bên có lúc không kiềm chế được và sa vào cuộc chiến một mất một còn vào năm 1998. Phải mãi tới năm 2000 sự việc mới tạm lắng xuống khi Eritrea và Ethiopia cùng ký Hiệp định Hòa bình.
Nhưng từ đó đến nay, thi thoảng vẫn bùng phát những cuộc giao tranh tương đối khốc liệt.
Có vài điểm chung giữa 2 quốc gia này là họ đều chạy đua vũ trang. Đó là cho dù đất nước rất nghèo nhưng cả Eritrea và Ethiopia đều rất mạnh tay chi tiền cho mua sắm vũ khí hiện đại, nhất là máy bay chiến đấu. Và, lạ thay, hầu hết các vũ khí ấy đều có xuất xứ từ Nga/Liên Xô và các nước Đông Âu.
Nếu như Ethiopia đặt mua tiêm kích Su-27 thì Eritrea đáp lại ngay lập tức bằng hợp đồng "tậu" MiG-29. Đây đều là 2 loại máy bay tiêm kích tốt nhất trên thế giới tính đến giữa thập niên 1990. Tuy nhiên nguồn gốc của các máy bay MiG-29 và Su-27 này từ đâu thì đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng, chỉ biết, chúng được mua gom từ các nước Đông Âu.
Các phi công Ukraine là giáo viên đào đạo chuyển loại phi công tiêm kích Su-27 cho Ethiopia và đồng thời cũng đào tạo chuyển loại phi công tiêm kích MiG-29 cho Eritrea. Và đây chính là nguồn cơn cho sự việc đau lòng, nữ học trò dùng tiêm kích Su-27 bắn hạ chính thầy giáo của mình đang bay trên MiG-29. Nhưng chiến tranh là thế, chỉ có ta và địch!
Nữ Đại úy phi công Aster Tolossa bên cạnh chiếc tiêm kích Su-27 của mình.
Nữ học trò trên Su-27 bắn hạ thầy giáo trên MiG-29
Chính những chiếc tiêm kích hàng đầu thế giới này đã đụng độ với nhau trên bầu trời, và phần thắng thường nghiêng về Su-27, còn MiG-29 là bại tướng. Một trong những cuộc đụng độ ấy đã đi vào lịch sử thế giới.
Sự xuất hiện các máy bay chiến đấu của Không quân Ethiopia trên vùng chiến sự đã khiến các phi công Eritrea và giáo viên hướng dẫn bay người Ukraine hiểu rằng, họ không có lựa chọn nào khác là phải bắn hạ những chiếc tiêm kích Su-27 vừa mới được chuyển cho Ethiopia, nếu không thì Không quân thực sự vô dụng, không còn vai trò giì trong chiến tranh.
Vì thế, vào sáng ngày 25 tháng 2 năm 1999, 4 chiếc MiG-29 của Không quân Eritrea đã được lệnh cất cánh chặn đánh 2 chiếc tiêm kích Su-27 đang tuần tra dọc biên giới khu vực Badme.
Cả 2 chiếc chiến đấu cơ Sukhoi đều đang được điều khiển bởi những phi công người Nga, họ đã phát hiện sự xuất hiện của những máy bay chiến đấu đối phương rất đúng lúc và tìm cách thoát ly, khi đột nhiên họ hứng chịu cơn mưa tên lửa tầm trung R-27 (định danh NATO AA-10 Alamo). Rất may, với những phi công Nga kinh nghiệm, chuyện này chẳng phải quá khó khăn.
Không một quả đạn nào của Eritrea trúng đích, nhưng sau khi tránh được tên lửa, các phi công người Nga quyết định quay lại phản kích. Biên đội Su-27 khóa một chiếc máy bay địch và, sau khi bắn trượt chiếc đầu tiên đã tiếp tục phóng một loạt tên lửa R-27 nhằm vào chiếc MiG-29 khác. Nhưng toàn bộ đạn cũng đi chệch mục tiêu.
Và cuối cùng, Không quân Eritrea buộc phải hủy bỏ lệnh tấn công và đổ lỗi cho Su-27 vì chúng quá nhanh. Chung cuộc đã có 1 chiếc MiG-29 của Eritrea bị bắn hạ trong không chiến quần vòng, có thể là do tên lửa không đối không tầm ngắn sử dụng đầu do hồng ngoại R-73 (NATO định danh AA-11 Archer).
Thật định mệnh, theo một số nguồn tin viên phi công MiG-29 bị bắn hạ lại là chỉ huy Không quân Eritrea.
Chỉ 24 giờ sau đó, một vụ đụng độ khác đã xảy ra ngay trên vùng trời trận không chiến quyết liệt hôm qua. Lần này, chỉ một chiếc tiêm kích Su-27S đi lẻ, điều khiển bởi nữ Đại úy phi công Aster Tolossa, đang thực hiện nhiệm vụ hộ tống các máy bay MiG-21 thực hiện phi vụ tấn công.
Bông nhiên, radar trên máy bay phát hiện một chiếc máy bay lạ đang hướng tới, lập tức Đại úy Tolossa chuyển sang chặn đánh và phát hiện ra mục tiêu - dường như không mang vũ khí - là một chiếc tiêm kích huấn luyện MiG-29UB 2 người lái.
Sau vài lượt cơ động, đã có các trao đổi thông tin giữa máy bay MiG và Sukhoi, phi công Su-27 đang ở thế cơ lợi, bỗng chị chợt nhân ra rằng phi công của chiếc MiG-29 ở phía trước từng là giáo viên bay của mình.
Lập tức, Đại úy Tolossa cảnh báo rằng mình sẽ bắn hạ anh ta và yêu cầu anh ta phải hạ cánh xuống Debre Zeit. Cự giáo viên bay của cô đã không tuân lệnh và Tolossa đã nẩy cò. Chính xác thì loại tên lửa nào đã được phóng đi thì không rõ, nhưng dường như đã có ít nhất 2 quả tên lửa không đối không được phóng ra từ máy bay Su-27.
Rất tiếc chúng đều trượt, cả 2 quả đều lần lượt bị viên phi công giàu kinh nghiệm người Ukraine tránh được, họ quá hiểu kẻ địch là ai và đang ở đâu. Sự việc buộc Tolossa phải kết thúc mục tiêu bằng những loạt đạn pháo 30mm.
Xác một chiếc tiêm kích MiG-29 của Nam Tư bị NATO bắn hạ trong không chiến. Ảnh minh họa.
Không rõ liệu có chiếc dù nào bung ra từ tiêm kích MiG-29UB hay không, nhưng chắc chắn một điều, Đại úy Tolossa đã được tung hô như anh hùng khi trở về sân ba, và ngay lập tức, cố trở thành phi công tiêm kích nữ đầu tiên bắn hạ tiêm kích phản lực của đối phương trong lịch sử không chiến.
Sau trận này, Không quân Eritrea đã mất thêm một chiếc MiG-29 nữa khi tham gia trận đánh chiếm ưu thế trên không với các máy bay Su-27 của đối phương. Và trước khi họ "kịp" mất nốt số máy bay MiG-29 còn lại, thì may mắn thay hai nước đã đồng ý với một thỏa thuận hòa bình quốc tế.