Một chuyên gia về Triều Tiên cho rằng ông Kim Jong-un có thể đã tạm thời ủy quyền quản lý kho vũ khí hạt nhân cho một quan chức cấp cao thân tín của ông tại Bình Nhưỡng.
Vali hạt nhân của ông Trump
Chiếc vali hạt nhân là vật bất li thân đối với Tổng thống Mỹ. Khi ông Donald Trump tới Singapore để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, chiếc vali này cũng theo ông mọi lúc, mọi nơi.
Đặc vụ Mỹ mang theo chiếc vali hạt nhân của Tổng thống Trump khi đoàn xe chở phái đoàn Mỹ tới khách sạn Capella hôm 12/6 vừa qua. Ảnh: Sky News
Chiếc vali hạt nhân là biểu tượng cho sức mạnh quân sự và quyền lực Tổng thống Mỹ. Chiếc vali này nặng đến 20kg, trong đó bao gồm: một tấm thẻ chứa mã nhận dạng Tổng thống, cuốn sổ liệt kê các lựa chọn tấn công hạt nhân, danh sách hầm trú ẩn an toàn dành cho Tổng thống và hướng dẫn sử dụng Hệ thống Liên lạc Khẩn cấp.
Trong cuộc họp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo Trump-Kim, chiếc vali hạt nhân luôn ở rất gần hai ông. Tuy nhiên, theo Daily Star, lãnh đạo Triều Tiên dường như không hề cảm thấy mếch lòng khi Tổng thống Mỹ mang 'công tắc' hạt nhân đến cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai ông để bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Nút bấm hạt nhân của ông Kim
Ngay đầu năm nay, trong Thông điệp năm mới, ông Kim đã tuyên bố với thế giới rằng "nút bấm hạt nhân luôn sẵn sàng trên bàn làm việc" của ông. Sau đó ông Trump liền phản pháo rằng ông "cũng có nút bấm hạt nhân", đồng thời khẳng định nút bấm của ông to và uy lực hơn của ông Kim, hơn nữa còn có thể hoạt động được.
Trái ngược với ông Trump, ông Kim không tiết lộ công khai về cách ông kích hoạt "nút bấm hạt nhân" của mình trong các chuyến công du.
Ảnh: KCNA.
Tuy nhiên, các nhà phân tích Triều Tiên cho rằng ông Kim sẽ không chịu đi xa Triều Tiên đến thế - nếu như ông không tự tin vào hệ thống bảo mật của kho vũ khí hạt nhân - và khả năng kích hoạt nó từ nước ngoài.
"Chúng ta không rõ khả năng liên lạc an ninh của Triều Tiên tiên tiến đến mức nào, do đó chưa thể kết luận liệu ông Kim có thể dễ liên lạc với Bộ Chỉ huy Quốc gia để ra lệnh kích hoạt nút bấm hạt nhân từ Singapore hay không", Andrew O'Neil, một chuyên gia về Chính sách hạt nhân Triều Tiên tại Đại học Griffith, Australia, nhận định.
"Có thể hệ thống chỉ đạo, điều khiển, liên lạc và tình báo của Triều Tiên đều nằm trong tay ông Kim... Nếu đúng là như vậy, thì ông Kim sẽ không thể đưa ra quyết định trong trường hợp cần thiết khi ở Singapore", ông O'Neil cho biết.
Michael Madden, một chuyên gia về Triều Tiên cho rằng rất có thể ông Kim đã tạm thời ủy quyền quản lý kho vũ khí hạt nhân cho một quan chức cấp cao thân tín của ông tại Bình Nhưỡng. Một trong số các quan chức có thể nhận nhiệm vụ này từ ông Kim là ông Choe Ryong Hae, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Triều Tiên.
Theo ông Madden, có thể ông Kim đã lập giao thức từ trước với người được ủy quyền để có thể thông qua quyết định phóng tên lửa từ xa.
Với giao thức này, quan chức thân tín được ủy quyền tại Triều Tiên sẽ túc trực các đường dây nóng, và ông Kim có thể sẽ kích hoạt vũ khí hạt nhân thông qua một hệ thống mật mã.
Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng việc ủy quyền có thể sẽ khiến thân tín của ông Kim vô ý hoặc cố tình đưa ra những mệnh lệnh kích hoạt không cần thiết.
Trong trường hợp này, ông Kim sẽ khó có thể kích hoạt hoặc ngăn chặn kịp thời chu trình phóng tên lửa khi ở nước ngoài. Ông Vipin Narang, Phó Giáo sư Viện Công nghệ Massachussets cho rằng có thể Triều Tiên đã thiết kế một hệ thống ra mệnh lệnh giản tiện và nhanh chóng nhất để ngăn chặn Mỹ tấn công trước.
Hồng Anh
Theo Thời đại