“Sau khi xé được quần áo tôi, chồng tôi đổ lên người tôi như một khúc gỗ. Vừa quan hệ, chồng tôi vừa tát, vừa đấm. Hắn ta cắn vào vú, túm tóc dằn đầu tôi xuống giường, mồm thì chửi: “Mày không chiều tao thì mày để dành cho bố mày à?”, chị B.T kể lại.
Ớn lạnh những trận cuồng dâm của chồng
Rất nhiều câu chuyện thật về tình trạng phụ nữ bị bạo lực gia đình được chia sẻ tại cuộc triển lãm “Nước mắt cười” do Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức tại Hà Nội. Trong đó, thương tâm nhất là câu chuyện của những người đàn bà bị chồng bạo hành tình dục.
Chị B.T ở Yên Viên, Hà Nội là một người phụ nữ thường xuyên bị chồng bạo hành tình dục. Chồng chị đòi quan hệ bất cứ lúc nào anh ta có nhu cầu, không cần biết chị đang bệnh tật, đau ốm ra sao. Vì chồng không chịu dùng bao cao su nên chỉ trong vòng 2 năm, chị đã phải vào viện phụ sản “giải quyết” đến 5 lần. Có lần chị vừa nạo thai xong, chồng đã đòi quan hệ.
Bộ quần áo của chị B.T bị chồng xé toạc khi anh lên cơn cuồng dâm. |
Chị đắng lòng kể: “Đáng lẽ để tôi được nghỉ ngơi thì chồng tôi lại đòi quan hệ tình dục mà không cho dùng bao cao su. Sau khi xé được quần áo tôi, chồng tôi đổ lên người tôi như một khúc gỗ. Vừa quan hệ, chồng tôi vừa tát, vừa đấm. Hắn ta cắn vào vú, túm tóc dằn đầu tôi xuống giường, mồm thì chửi: “Mày không chiều tao thì mày để dành cho bố mày à?”. Kết quả của trận cuồng dâm ấy, mặt mũi tôi xưng vù, hai bầu vú bị cắn rớm máu, bộ phận sinh dục bị viêm nhiễm phải điều trị mấy tháng mới đỡ”.
Một người phụ nữ khác sống tại Cửa Lò, Nghệ An thì đau đớn kể lại câu chuyện bị chồng đánh đập và cưỡng dâm: “Tôi rối bời, khổ đau không chỉ vì những câu chửi, nhát phang của anh mà còn cả vì chuyện ấy nữa. Anh khiến tôi sợ hãi, tủi nhục vô cùng sau mỗi lần vợ chồng gần gũi. Anh vật lộn, bám riết để đạt được cảm giác cho riêng mình rồi mặc kệ vợ một bên đẫm gối nước mắt.
Có hôm mệt, tôi tỏ ý từ chối, anh thụp đấm không tiếc tay vào mọi chỗ và lao đến cưỡng dâm, tôi đau đớn rã rời. Chưa hả, anh dùng dùi gỗ chọc vào chỗ ấy, tôi giãy dụa, gào khóc, cố bò lê ra cánh cửa kêu cứu. Chị hàng xóm lao sang, anh tỉnh bơ “Tôi chơi cho vui”. Câu nói của anh khiến tôi ớn lạnh, bàng hoàng”.
Bị chồng ném bếp lò vào người vì lên giường là… ngủ
Chị T. (Cầu Giấy, Hà Nội) bị chồng ném cả bếp than tổ ong và chậu bột vào người khi đang chuẩn bị nhóm lò để tráng bánh. “Lý do nói ra thì rất ngượng. Chồng tôi không có công ăn việc làm, chỉ ngồi nhà ăn chơi nên rất khỏe. Còn tôi, với đồng lương nuôi dạy trẻ, không đủ để trang trải kinh tế gia đình nên phải tranh thủ làm thêm ngoài giờ đi làm ở cơ quan.
Hàng ngày tráng bánh đến khuya mới xong. Lên giường nằm là tôi thiếp đi, không chiều chuộng và đáp ứng được sinh lý của chồng nên chồng tôi không muốn cho tôi làm thêm. Nhưng không làm thì nhà tôi lấy gì để sống”, chị chua xót kể lại.
Chị T. bị chồng ném cả bếp than tổ ong vào người vì không chiều được nhu cầu sinh lý của anh. |
Nhiều người trẻ đồng cảm khi đến xem triển lãm và biết về câu chuyện của các chị. |
Một người phụ nữ khác sống ở xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình lại bị chồng bạo hành vì người chị khỏe mạnh, nhanh nhẹ. Chị được mọi người quý mến nhưng chồng lại có thói ghen tuông, coi chị như một cái gai trong mắt. Suốt 7 năm lấy anh, chị chịu đựng không biết bao nhiêu trận đòn. Có hôm bị chồng cầm dao dồn hai mẹ con đến đường cùng, chị phải liều ôm con nhảy từ cửa móng nhà xuống đất (sàn nhà có cửa móng từ đất lên khoảng 3-4m) để thoát thân. Hôm khác chị đi làm về thì thấy anh đang chửi bới, vào sân đã thấy bao nhiêu quần áo của chị bị anh băm nát. Rồi anh chỉ vào mặt chị bảo “Hôm nay tao chặt quần áo của mày, rồi có ngày, nếu mày không sống tử tế thì mày cũng sẽ như đống quần áo này”.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA, cho biết, rất nhiều phụ nữ đang phải sống trong cảnh Bạo lực gia đình. Họ chịu sự kiểm soát, hành hạ của chồng bởi búa, bô, dây trói,… những vết đau và nước mắt đã hằn lên thể xác và tinh thần.
“Hiện tại, nhiều chị em đã lên tiếng để tìm kiếm sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng. Hơn nữa, hàng trăm phụ nữ đã chủ động tham gia vào các nhóm tự lực, các hoạt động nghệ thuật để cùng học hỏi, sáng tạo. Với sức mạnh nội lực của mình, họ đã chứng tỏ với cộng đồng rằng: phụ nữ bị bạo lực có thể vươn lên để thay đổi cuộc sống, tìm lại tiếng cười cho chính mình. Triển lãm “Nước mắt cười” nhằm mang thông điệp về sức mạnh của những người phụ nữ từng chịu tổn thương đến với nhiều người hơn nữa”, bà Vân Anh chia sẻ.