"Khi công ty bắt đầu tăng trưởng, tôi cũng trở nên tham lam hơn", Pepion thú nhận trước tòa án liên bang vào thứ tư vừa qua với cáo buộc buôn bán hàng giả và rửa tiền.
Từ thời trung học, James Pepion bắt đầu sưu tầm và mua bán sneakers như sở thích cá nhân.
Đến năm 23 tuổi, Pepion bắt đầu xây dựng "Supplied Inc.'', sau này trở thành một trong những đế chế bán lẻ sneakers mạnh nhất thế giới.
Ban đầu, Pepion thu mua những phiên bản Nike Air Jordan quý hiếm và "resell" để kiếm lời. Ngoài ra, anh ta còn xây dựng hệ thống "runner" để thâu tóm thị trường - những nhân công mà hầu hết là người vô gia cư ở Portland, được thuê để xếp hàng mua những mẫu sneakers được phát hành nhỏ giọt.
Sau đó, Pepion vung tiền để quảng cáo cho hoạt động kinh doanh trên nhiều nền tảng, tiêu biểu như Instagram hoặc eBay.
Cầu vượt cung, Pepion bắt tay với những nhà sản xuất sneakers giả ở Hồng Kông và Trung Quốc. Từ tháng 1/2012 đến tháng 3/2015, Pepion thu về khoản lợi nhuận 2,6 triệu USD từ việc nhập khẩu và bán sneakers nhái.
Theo một công tố viên liên bang, số tiền đó đã giúp Pepion sắm sửa quần áo đắt tiền, siêu xe và nhiều hoạt động giải trí xa xỉ khác.
Theo hồ sơ vụ án, việc bán hàng của Pepion dần rơi vào khủng hoảng khi nhiều khách hàng gửi khiếu nại cho Supplied Inc. và Nike vì sneakers có quá nhiều lỗi và cho rằng "chúng chỉ là những đôi giày nhái rẻ tiền". Trong một email gửi đến Nike, một khách hàng vạch trần thủ đoạn của Pepion và phàn nàn về việc Nike "không có động thái rõ ràng".
Nike bắt đầu làm việc với Cục Nhập cư và Hải quan Mỹ cũng như Cục Điều tra An ninh Quốc gia. Sau khi theo dõi, từ tháng 10/2013 đến tháng 5/2016, các nhà điều tra đã chặn 55 lô hàng từ châu Á chuyển đến cho Pepion, thu giữ tổng cộng 649 đôi Air Jordan nhái.
Trước đó, vào tháng 4/2016, các nhân viên liên bang đã đột nhập vào nhà của Pepion và tìm thấy ít nhất 618 đôi sneakers giả
Trước đó, vào tháng 4/2016, các nhân viên liên bang đã đột nhập vào nhà của Pepion và tìm thấy ít nhất 618 đôi sneakers giả.
Sau nhiều tháng thu thập chứng cứ, thứ tư vừa qua, phiên tòa xét xử Pepion đến từ Oregon chính thức diễn ra. Đứng trước vành móng ngựa, Pepion cầu xin được tại ngoại, lao động công ích chứ không ngồi tù. Gerald Needham, luật sư bào chữa của Pepion đã đề nghị 6 tháng tù giam và 100 giờ lao động công ích cộng 5 năm quản chế.
Needham cho biết Pepion coi những đôi sneakers nhái mình bán ra "quá giống thật" và không lường trước được hậu quả. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó đã khiến Pepion mang tham vọng làm giàu một cách nhanh chóng.
"Tôi ước điều này chưa xảy ra, tôi sẽ không phải ra hầu tòa một lần nữa", Pepion nghẹn ngào trong sự chứng kiến của gia đình. "Tôi không chống lại Nike, đó là thương hiệu tôi luôn yêu thích từ khi chỉ là một đứa bé".
Anh ta cho biết, mình bán hàng giả chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, không muốn làm họ thất vọng.
Từ tháng 6/2013 đến tháng 9/2015, Pepion đã chi 174.460 USD để đặt hàng nhiều lô giày cũng như bao bì giả từ Trung Quốc. Trợ lý luật sư Ryan Bounds đã đề nghị bản án từ 1 năm 6 tháng cho Pepion để "ngăn chặn âm mưu tội phạm mang tầm quốc tế", thẩm phán nói ông tin rằng Pepion hoàn toàn ý thức được những hành động của bản thân.
"Anh đã nói dối mọi người về những gì mình bán ra", thẩm phán Mosman nói. "Anh không nhất thiết phải học Đại học mới hiểu được đó là một tội ác".
Ngoài ra, Mosman muốn gửi thông điệp đến công chúng rằng "đây là một tội ác sẽ đưa bạn vào tù". Ông lưu ý rằng, Pepion không có tiền án tiền sự, dù cha mẹ đã ly hôn, cha trở thành người vô gia cư và nghiện rượu.
Cuối cùng, thẩm phán kết án Pepion 4 tháng tù giam, 3 năm quản chế chặt chẽ. Ngoài ra, Pepion phải nộp khoản phạt 100.000 USD cho Nike, chưa kể khoản bồi thường 50.000 USD cho hoạt động điều tra.
Theo Oregonlive