Vốn nổi tiếng là đất nước phong kiến với nhiều phong tục, lễ giáo khắt khe nhưng từ xa xưa, vấn đề tình dục ở Trung Quốc lại được bàn luận rất công phu và có hệ thống.
Đó là các trước tác tinh vi, uyên bác mà người Trung Hoa gọi là “Phòng trung thuật” hay “Thuật phòng trung” (Nghệ thuật trong phòng ngủ”. “Phòng trung thuật” không chỉ đơn thuần là một tập hợp các kiến thức, lý luận, phương pháp thực hành chuyện “giường chiếu” mà còn là phép dưỡng sinh, giúp tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Từ khi ra đời, “Phòng trung thuật” rất thịnh hành và được coi là môn học không thiếu của các Hoàng đế để “đối phó” với hậu cung hàng ngàn mỹ nữ.
“Thuật phòng trung” là một trong những môn học quan trọng của Hoàng đế xưa để “đối phó” với hàng ngàn mỹ nữ chốn hậu cung. Ảnh minh họa. |
“Thuật phòng trung” ra đời ở Trung Hoa rất sớm, ngay từ thời Xuân Thu Chiến Quốc (khoảng thế kỷ VIII đến thế kỷ III TCN), pho sách y học đầu tiên có tên “Hoàng đế Nội kinh” đã có đề cập đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, nó thực sự trở lên phổ biến và được tôn sùng vào thời kỳ nhà Hán. Các nhà sử học cho rằng, sự hưng thịnh của “Phòng trung thuật” có quan hệ tới đế vương, nó là một thứ thuật kế vị của đế vương. Nguyên nhân là do, đời nhà Hán các Hoàng đế đa số đều đoản mệnh, gây nguy cơ cho sự nối nghiệp vương vị nên phải tăng cường rất nhiều phi tử vào hậu cung. Từ đó, những phương sĩ (ngự y) đề xuất các loại phương pháp dùng trong phòng ngủ nhằm giúp nhà vua tăng cường sức lực và sinh được con cái khỏe mạnh.
Bí quyết “đối phó” với hàng nghìn mỹ nữ chốn hậu cung
Triều đại nhà Hán thuộc đầu thời kỳ phong kiến của Trung Quốc. Lúc này, các quy phạm xã hội đều tương đối lỏng lẻo và trong lĩnh vực tình dục còn sót lại một số phong tục thời nguyên thủy, ví dụ như ở một vài vùng còn lưu giữ phong tục “tân khách tương ngộ, dĩ phụ đãi túc” (có khách tới gặp, đem vợ đãi khách ngủ lại đêm) hay “cộng thê, cộng phụ” (chung vợ, chung chồng). Chồng chết tái giá cũng là chuyện thường tình tại triều đại nhà Hán. Cũng chính từ quan niệm tình dục phóng khoáng này mà “thuật phòng trung” được nghiên cứu và áp dụng ở thời kỳ này ngày một rộng rãi hơn. Những công trình sớm nhất có liên quan tới “Phòng trung thuật” là những cuốn sách nói có đề cập tới vấn đề tình dục viết từ đời Tây Hán trên lụa và trên thanh tre (trúc giản thư) như: “Thập vấn” (Hỏi mười điều), “Hợp âm dương” (Hội hợp âm và dương), “Thiên hạ chí đạo đàm” (Bàn về nghệ thuật lớn nhất trong thiên hạ)... Những sách này sau khi khai quật được vào năm 1973 đã cổ động một phong trào sôi nổi đi nghiên cứu “Phòng trung thuật”.
Tới thời kỳ Đông Hán, kỹ thuật trong phòng ngủ của Trung Quốc thịnh hành một cách khác thường. Các nhà sử học sau này cho rằng, sự hưng thịnh của “phòng trung thuật” có quan hệ tới đế vương, nó là một thứ thuật kế vị của đế vương. Cụ thể, đời nhà Hán các đế vương đa số đều đoản mệnh gây nguy cơ không có con nối dõi. Chính vì thế phải tăng cường rất nhiều mỹ nữ vào hậu cung, cứ đời sau lại nhiều hơn đời trước để đảm bảo số lượng cũng như chất lượng các thế hệ sau. Tương truyền, vào thời kỳ này, Hoàng đế nào cũng sở hữu trong tay từ 3.000 mỹ nữ trở lên, đều vào loại quốc sắc thiên hương. Ngoài việc phục vụ nhu cầu của vua thì sinh con nối dõi cho Hoàng thất cũng là mục đích trọng yếu. Nội dung của “Phòng trung thuật” thời kỳ này đã rất phong phú, bao gồm những mục như: tuổi nào thích hợp với hôn nhân và quan hệ giữa tuổi tác với số lượng động phòng, kỹ xảo tình dục, tư thế, phản ứng tình dục của người phụ nữ, thụ thai, kiêng kị, phép chữa trị những trở ngại chức năng tình dục, thảo dược... Đặc biệt là quan niệm tương quan âm - dương ngũ hành trong sinh hoạt “chăn gối”.
Triết học phương Đông cổ đại coi nam là dương, nữ là âm; nếu âm - dương không cân bằng, không hoà hợp sẽ sinh ra bệnh tật và tổn thọ. Nguyên lý âm dương luôn phải tương ứng, tương sinh là điều mà triết học phương Đông rất coi trọng, quán xuyến trong cả đời sống tình dục. Nhiều vị hoàng đế vì có nhiều cung nữ nên chơi bời vô độ, bởi vậy mới vào độ ngũ tuần đã thần sắc suy nhược. Các thầy thuốc thường khuyên nhà vua cần hiểu thấu đạo âm dương để chuyện chăn gối được thực hành hợp lý. Cũng theo giải thích của các cuốn sách phòng the lưu truyền từ thời kỳ này và trước đó, căn cứ trên thuyết âm dương ngũ hành thì: Trong trời đất có 5 yếu tố chính là kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ (ngũ hành), chúng tương khắc và tuần hoàn; vậy nếu thuỷ tính (nữ nhân) quá mạnh thì dễ hại tới hoả tính (đàn ông). “Phòng trung thuật” còn rất chú ý tới việc dùng người nữ với lý luận chủ yếu là “thái âm bổ dương” (dùng âm để tăng cường cho dương), dạy người nam cố sức làm cho người nữ đạt tới điểm cực khoái khi giao hợp, sao cho hấp thụ được âm khí của người nữ phóng ra vào điểm cực khoái, do đó đạt được công hiệu dưỡng sinh và trường thọ. Nhà Hán học Hà Lan Van Gulik mô tả thuật thái bổ không đồng đều này là “tính trá thủ” (sự lừa lấy trong tình dục)…
Đoản mệnh không biết “thuật phòng trung”
Mặc dù “thuật phòng trung” là một trong những môn học được dạy cho Hoàng đế từ lâu nhưng không phải ông vua nào cũng coi trọng và đủ kiên nhẫn để luyện tập. Chính vì vậy mà cùng là những Hoàng đế sở hữu trong tay hàng ngàn mỹ nữ nhưng có người thì khỏe mạnh, sung mãn đến tận cuối đời còn có người lại chết yểu khi chưa tới tuổi 40. Hán Linh Đế - vị vua cuối thời Đông Hán là một trong những Hoàng đế bị cho là đoản mệnh vì ham mê dục vọng nhưng lại không chịu học “thuật phòng the”. Từ khi lên ngôi, Hán Linh Đế liên tục tuyển mỹ nhân khắp nơi vào cung; thậm chí ông ta còn nghĩ ra một cuộc “cách mạng tình dục” để phục vụ ham mê sắc dục của mình. Đó chính là cuộc cách mạng về trang phục cho các phi tần trong hậu cung của mình. Để tiện cho việc “hành sự” bất cứ lúc nào, Hán Linh Đế quyết định ra lệnh cho tất cả các phi tần, trên từ Hoàng hậu, Quý phi, dưới từ tài nhân, cung nữ đều phải mặc loại quần thủng đáy. Hán Linh Đế cho rằng, một khi các cung nữ mặc quần thủng đáy, thì việc “sủng hạnh” không chỉ nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cho một bậc Hoàng đế vốn trăm công ngàn việc mà còn giảm được không ít “sức lực” khi phải đối mặt với một đống quần là áo lượt mà các phi tần mang trên mình.
Để thỏa sức “vui vẻ”, Hán Linh Đế còn sai người xây dựng một cung điện hơn một nghìn gian. Khác với những cung điện khác, các hành lang cung điện này chính là những kênh nước, các bậc thềm được phủ một lớp rêu xanh. Sau khi xây xong cung điện, Hán Linh Đế lựa chọn những mỹ nữ ưng ý nhất cho vào cung điện ở. Mỗi khi hứng thú nổi lên, Hán Linh Đế lại ra lệnh cho các cung phi nhất loạt bỏ hết quần áo, chơi trò đuổi bắt dưới các kênh nước để mình tùy ý lựa chọn. Có những lúc cao hứng, ông ta cũng cởi phăng quần áo rồi nhảy xuống kênh chơi đùa cùng các mỹ nữ. Chính vì vậy, cung điện này thời bấy giờ còn được gọi là “Mỹ nhân khỏa du quán” (nhà bơi khỏa thân của mỹ nữ). Một lần, sứ giả Tây vực đến tiến cống một loại hương liệu quý, Hán Linh Đế ra lệnh nấu thành nước rồi đổ vào con kênh trong “nhà bơi khỏa thân” cho các cung phi và mình cùng tắm. Tác dụng của loại hương liệu quý khiến vị Hoàng đế cao hứng nói rằng: “Nếu như một vạn năm sau mà cứ như thế này thì ở đây khác gì cảnh tiên?”. Sau mỗi cuộc truy hoan, Hán Linh Đế thường sai người dâng lên những món ăn, bài thuốc quý có tác dụng bồi bổ tinh khí bị hao tổn; nhưng tất cả chỉ là vô ích, ông ta qua đời khi mới 34 tuổi và bị liệt vào danh sách những ông hoàng chết vì hoang dâm vô độ. Đúng như Cát Hồng - một danh y sống vào thời nhà Tấn đã nói: “Âm và dương không giao cảm với nhau sẽ làm tổn thương sinh mệnh. Dù có uống trăm ngàn thứ thuốc mà không biết “thuật phòng trung” thì cũng chỉ là vô ích”.
Sang thời nhà Tống, lĩnh vực tình dục chuyển từ phóng túng sang sự áp chế. Từ đó trở đi Trung Quốc bắt đầu tám, chín trăm năm kiềm chế tình dục. Trong thời kỳ này môn lý học của Trình - Chu hưng thịnh (lý học, còn được gọi là môn học về nguyên lý). Lý học chủ trương “tồn thiên lý, diệt nhân dục” (duy trì mặt trật tự của thiên nhiên và tiêu diệt những ham muốn của con người). Môn đồ của học thuyết này tin rằng “một khi con người làm điều bất thiện là do bị sự ham muốn dụ dỗ”. Do đó, chỉ có cấm tuyệt đối con người nghĩ tới lòng dục thì mới có thể đẩy mạnh được trật tự của thiên nhiên. Cũng chính vì nguyên do trên mà sang thời nhà Tống, “thuật phòng trung” dường như biến mất khỏi đời sống xã hội Trung Hoa. Tuy nhiên, như một nhu cầu vốn không thể thiếu của loài người từ khi sinh ra, những bí quyết phòng the được hình thành trong những thời kỳ trước đó vẫn âm ỉ tồn tại. Bằng chứng là những cuốn sách về “thuật phòng trung” vẫn được bảo lưu tới ngày nay và được nhiều người nghiên cứu, áp dụng trong đời sống tình dục.