Tin mới

Phản ứng của cộng đồng quốc tế trước tham vọng độc chiếm Biển Đông củaTrung Quốc

Thứ bảy, 02/06/2018, 18:36 (GMT+7)

Trước các hành động quân sự leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng mạnh mẽ và có sự gia tăng về mức độ.

Trước các hành động quân sự leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng mạnh mẽ và có sự gia tăng về mức độ.

Ngày 25/4, Thượng viện Canada đã thông qua bản kiến nghị lên án mạnh mẽ "thái độ thù địch và leo thang" của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời thúc giục các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền tuân thủ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực theo đúng luật pháp quốc tế.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra quan điểm cho rằng vấn đề hòa bình và an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần dựa vào luật pháp quốc tế và phản đối Chính sách "bá quyền" trong bối cảnh hiện tại.

Chia sẻ quan điểm của nước Pháp, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nhìn nhận: "Một trong các nguyên tắc quan trọng của luật pháp, đó là ‘cá lớn’ không thể nuốt ‘cá bé’, lẽ phải không đương nhiên thuộc về kẻ mạnh". Australia đã nhiều lần phê phán Trung Quốc quân sự hóa, gia tăng căng thẳng trên Biển Đông và đã điều tàu chiến tới khu vực này để thực hiện tự do hàng hải.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore sáng 2.6 REUTERS

Ấn Độ gia tăng sự hiện diện hải quân tại Biển Đông và liên tiếp có những chuyến ghé thăm của các nhóm tàu chiến tới các cảng quan trọng của Việt Nam. Mặt khác, Ấn Độ củng cố mối quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và đặc biệt là với Nhật Bản - Hoa Kỳ - Australia trong chiến lược "Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương" để kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc.

Các quốc gia Đông Nam Á có lợi ích trên Biển Đông như Malaysia, Indonesia và Philippines bằng cách riêng của mình cũng thể hiện phản ứng với Trung Quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Còn Hoa Kỳ, ngoài các phát ngôn phản đối Trung Quốc, cường quốc này đã quyết định rút lại lời mời Hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận quốc tế định kỳ có tên RIMPAC 2018 ngoài khơi Hawaii. Ngày 27/5, Hoa Kỳ đã điều 2 chiến hạm đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa để thực hiện tuần tra, thực hành quyền tự do hàng hải (FONOP).

Ngày 31/5, Lầu Năm Góc tiếp tục có những lời lẽ răn đe cứng rắn đối với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên các hòn đảo ở Biển Đông, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hối thúc Trung Quốc hợp tác trong vấn đề Triều Tiên.

Hồi tuần trước, Hải quân Mỹ đã điều 2 tàu chiến đi qua vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. Đây là lần đầu tiên nước này triển khai nhiều hơn một tàu chiến tại đây, với mục đích chứng minh quyền tự do đi lại của các nước trên vùng biển quốc tế.

Ngày 30/5, Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, nói rằng Trung Quốc là "thách thức dài hạn lớn nhất của Mỹ" trong khu vực. Ông nhấn mạnh: "Nếu không có sự tham gia và can thiệp tập trung của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác, Trung Quốc sẽ thực hiện được giấc mộng bá chủ châu Á của mình".

Ngày 31/5, ông McKenzie nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ đã "sẵn sàng" để "bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh trong khu vực". Ông cho biết Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm "phá hủy những hòn đảo nhỏ bị cô lập", ám chỉ các hoạt động quân sự của Mỹ trong Thế chiến II, nơi hàng nghìn lính Mỹ đã thiệt mạng khi họ chiến đấu trên nhiều hòn đảo ở Thái Bình Dương. "Vì vậy, đó là một năng lực cốt lõi của quân đội Mỹ mà chúng tôi đã thực hiện trước đây; nó chỉ nên được hiểu như một tuyên bố đơn thuần về sự thật lịch sử này" – ông nhấn mạnh.

Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Đề cập đến động thái mới nhất, Mỹ cho biết một tàu Trung Quốc đã hoạt động thiếu chuyên nghiệp ở cự ly gần các tàu của Hải quân Mỹ. Ông McKenzie nhấn mạnh Mỹ sẽ không lùi bước: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tự do hàng hải theo đúng luật pháp quốc tế. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm những việc chúng tôi đang làm".

Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đầu tuần này cho biết: Trung Quốc đã không thực hiện cam kết của mình về không quân sự hóa ở khu vực. Ông nói: "Họ chính xác đã thực hiện điều đó, chuyển vũ khí đến những nơi trước đây chưa từng có". Thiết bị giám sát của Mỹ cho thấy Trung Quốc đã chuyển các tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không tới những hòn đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trong các cuộc tập trận gần đây. Đầu tháng 5, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo rằng một máy bay ném bom có trang bị hạt nhân của Trung Quốc cũng đã đáp xuống một hòn đảo tại khu vực này lần đầu tiên.

Ông Mattis nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đương đầu với những gì chúng tôi tin là vượt ngoài luật pháp quốc tế, ngoài những phát quyết quốc tế đã đưa ra về vấn đề này, và một phần của điều đó là chúng tôi sẽ duy trì hoạt động quân sự hết sức minh bạch ở Thái Bình Dương".

Ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng việc Trung Quốc triển khai vũ khí trên các đảo nhân tạo ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) là nhằm mục đích hăm dọa và cưỡng ép các quốc gia trong khu vực. Tuyên bố này là lời chỉ trích gay gắt nhằm vào Bắc Kinh tại một diễn đàn an ninh quốc tế.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la đang diễn ra ở Singapore, ông Mattis nhấn mạnh: "Mặc dù Trung Quốc luôn tuyên bố điều ngược lại, song các hoạt động triển khai vũ khí của họ là để sử dụng cho mục đích quân sự, nhằm hăm dọa và cưỡng ép". Bộ trưởng Mattis đề cập đến việc Trung Quốc triển khai tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, hệ thống gây nhiễu điện tử cùng nhiều thiết bị khác tới các đảo ở Biển Đông.

Ông Mattis khẳng định Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia trong mùa Hè này là "lời đáp trả ban đầu" đối với hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông cũng chỉ trích việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "nuốt lời" sau khi đã đưa ra cam kết hồi năm 2015 tại Nhà Trắng rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông.

Đánh giá về các hoạt động mới nhất của Trung Quốc tại Biển Đông, theo Giáo sư Trần Ngọc Vương, Bắc Kinh đã, đang và sẽ tiếp tục sách lược "tạo sự đã rồi" trên Biển Đông. Và nguy hiểm hơn chiến thuật "cắt lát salami" là chiến thuật "bào mòn" đang được áp dụng. Ông nói:"Họ cứ bào mòn từng bước một, bào mòn từng tý một, để rồi cuối cùng, cái gì họ đã cầm được trong tay thì họ không bao giờ buông ra. Đó là con đường mà họ đang làm".

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan nhìn nhận, tuy phản ứng của cộng đồng quốc tế ngày càng đi xa hơn về mức độ và cách thức phản ứng thực chất hơn, hành động nhiều hơn, nhưng chưa thể ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Ông nêu rõ: "Vì đây nằm trong một chiến lược tổng thể, nằm trong dự án ‘Vành đai và con đường’, nằm trong ý đồ bành trướng ở toàn khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc phải hiểu rằng, với tư cách là một thành viên của P5 (Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ) mà Trung Quốc tiếp tục hành động như vậy, thì rõ ràng, hình ảnh của Trung Quốc sẽ bị tổn thương trên trường quốc tế".

Tuy nhiên, theo đánh giá của GS. Trần Ngọc Vương, Trung Quốc đang vấp phải những khó khăn trong việc thực hiện chiến lược "Vành đai và con đường", trong đó có Biển Đông, do nhiều quốc gia "nhận trái đắng" đang xem xét lại việc hợp tác. Nhiều quốc gia đã và đang thay đổi chính sách với Trung Quốc, trong đó có Australia và Malaysia. Ông nói:"Trung Quốc muốn thôn tính thế giới, nhưng thực chất, họ vẫn phải đầu tư tiềm lực, công sức ra địa bàn chính trị quá rộng so với thực lực đang có của họ. Cho nên, đó là điểm ‘lực bất tòng tâm’".  

Doãn Trần

Theo Trí Thức Trẻ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news