Theo truyền thông quốc tế, dự kiến ngày 26/08 tới đây, các máy bay tiêm kích Rafale tối tân của Pháp sẽ hạ cánh ở Nội Bài trong chuyến thăm tới Việt Nam.
Ngoại trừ các dòng tiêm kích Su-27, Su-30MK2 còn được sử dụng trong hàng chục và vài chục năm nữa thì hiện nay Không quân Việt Nam vẫn đang phải sử dụng một số khá lớn tiêm kích bom Su-22 vốn đã khá cũ và đang đi dần tới cuối vòng đời của chúng.
Tuy đã trải qua đại tu lớn nhưng các máy bay Su-22 của Không quân Việt Nam có số giờ bay dự trữ còn lại không nhiều, trên thế giới hầu hết các quốc gia đã loại biên Su-22 và nhất là hiện không còn nhà sản xuất phụ tùng, do vậy công tác đảm bảo hệ số kỹ thuật đối với dòng máy bay này của Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn.
Do vậy, trong vài năm tới đây, các máy bay Su-22 của Không quân Việt Nam có thể bắt đầu dần dân được loại biên. Vì thế, nhu cầu mua sắm máy bay chiến đấu thế hệ mới đối với Việt Nam là hiện hữu.
Trong khi cả về tiềm lực con người lẫn tiềm lực về kinh tế chưa cho phép mua sắm máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 thì để bắt kịp xu hướng hiện đại hóa của không quân thế giới, Việt Nam vẫn phải mua sắm các máy bay chiến đấu thế hệ 4+, 4++ hoặc thậm chí 4,5 với nhiều tính năng tiệm cận trên các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới.
Chính vì thế, các máy bay chiến đấu và vận tải quân sự hàng đầu của châu Âu và Pháp ghé thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp là một sự kiện đặc biệt đáng chú ý.
Mặc dù chuyến thăm này chỉ là một chương trình nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam và Cộng Hòa Pháp không phải là chào hàng, tuy nhiên đây là một cơ hội tốt để chúng ta có thể đánh giá ngay tại Việt Nam máy bay tiêm kích Rafale tối tân cũng như các máy bay vận tải quân sự hàng đầu thế giới.
Biết đâu trong tương lai đây sẽ là những ứng viên tiềm năng khi Việt Nam triển khai những đợt mua sắm máy bay mới nhằm thay thế các máy bay cũ và tăng cường tiềm lực quốc phòng.
Tiêm kích Rafale do Pháp chế tạo. Ảnh minh họa.
Đã có những thông tin về các ứng viên máy bay chiến đấu thế hệ kế tiếp dành cho Việt Nam như Su-30SM, Su-35S (Nga) hay F-16 (Mỹ) và đâu đó có nhắc tới JAS-39E/F Grippen (Thụy Điển) nhưng (Pháp) thì dường như chưa có thông tin nào cho thấy nó đã được giới thiệu với Việt Nam như một ứng viên tiềm năng.
Và nay, điều đó càng trở nên hiện thực hơn bao giờ hết khi 2 hãng chế tạo máy bay hàng đầu của Châu Âu (Airbus) và Pháp (Dassault) chính thức đưa nhiều loại máy bay quân sự hiện đại như tiêm kích Rafale, máy bay vận tải quân sự A-400M lần đầu tới giới thiệu Việt Nam.
Có thể nói, đây là một tín hiệu hết sức tích cực bởi lẽ Không quân Việt Nam đã và đang sở hữu khá nhiều dòng máy bay mới của Pháp và châu Âu như máy bay vận tải quân sự Airbus C-295, Airbus C-212 và C-212i, trực thăng vận tải Eurocopters EC-225,...
Thực tế sử dụng ở nhiều quốc gia cho thấy mặc dù các máy bay của châu Âu có chi phí mua ban đầu khá cao nhưng xét về tổng thể cả vòng đời thì chúng vẫn được đánh giá là khá hiệu quả.
Cơ hội tận thấy Rafale ở Việt Nam
Mặc dù có một số ý kiến cho rằng Việt Nam nên cân nhắc việc quan tâm mạnh mẽ tới ứng viên tiêm kích Rafale để thay thế cho Su-22, tuy nhiên, đến nay, chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào cho thấy Việt Nam đã hoặc đang đàm phán để mua dòng tiêm kích này từ Tập đoàn Dassault (Pháp).
Do vậy, nhìn một cách khách quan, chuyến thăm và giới thiệu dòng máy bay tiêm kích đa năng hiện đại này với Việt Nam mới chỉ là bước đi ban đầu, để đi tới những mục tiêu cụ thể hơn đòi hỏi sẽ còn phải mất nhiều thời gian.
Xét về tính năng kỹ chiến thuật, tiêm kích Rafale được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá là một trong những dòng tiêm kích thế hệ 4+ hàng đầu thế giới tính tới thời điểm hiện tại.
Tiêm kích Rafale do Pháp chế tạo trong biên chế Không quân Ai Cập.
Với Việt Nam, nếu chọn mua bất kỳ dòng tiêm kích đa năng thế hệ 4+, 4++ hay 4,5 thì sẽ không chỉ thuần túy để thay thế tiêm kích bom Su-22 sắp đến thời kỳ nên loại biên do hết niên hạn sử dụng để mà còn giúp nâng cao sức mạnh chiến đấu tổng hợp.
Tiêm kích Rafale của Pháp có đắt không? Đắt, thậm chí đắt hơn khá nhiều so với Su-30MKI do Ấn Độ chế tạo trong nước theo giấy phép chuyển giao công nghệ từ Nga. Tuy nhiên, một số chuyên gia hàng không quân sự quốc tế cho rằng tuy "đắt xắt ra miếng" - nhưng Rafale xứng với đồng tiền bát gạo.
Nhận xét này có chính xác hay không? Chúng ta sẽ có cơ hội để ít nhiều kiểm chứng trong chuyến thăm Việt Nam của phi đội tiêm kích này những ngày tới.
Chúng tôi sẽ theo dõi và cập nhật liên tục các thông tin mới nhất về sự kiện thú vị này.