Một nhóm nhà khoa học quốc tế đã tìm thấy mẫu hóa thạch của một loài dơi khổng lồ ở New Zealand, từng tồn tại cách đây hàng triệu năm trước.
Dơi là loài thú duy nhất có thể bay được. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng đã từng tồn tại những còn có khả năng di chuyển hoàn toàn trên 4 chân.
Những phần còn lại của hóa thạch cho thấy đây là một con dơi nặng khoảng 40 gr nhưng xương và răng lớn gấp 3 lần so với một con dơi trung bình ngày nay.
Hóa thạch của loài dơi mới được tìm thấy ở St. Bathans, New Zealand. Nguồn: Newsweek
Trong phần báo cáo nghiên cứu, họ cho biết rằng loài dơi mới khá kỳ lạ khi chúng có thể bay và bò hẳn trên bốn chân để tìm thức ăn dưới lá và cây trong rừng. Bởi những con dơi mà chúng ta thường thấy thì hai chi trước của chúng đã phát triển thành cánh.
Người ta đã đặt tên cho loài dơi mới này là Vulcanops Jennyworthyae, ghép theo tên gọi của một thành viên trong nhóm – người đã tìm ra hóa thạch – và vị thần lửa Vulcan trong thần thoại Hy Lạp.
Đây cũng là loài dơi hang lớn nhất được biết đến từ trước tới nay và là loài dơi mới đầu tiên được bổ sung vào hệ động vật của New Zealand trong hơn 150 năm qua.
Mặc dù được phát hiện ở New Zealand, tuy vậy, họ hàng hiện đại của chúng lại nằm tuốt ở tận Nam Mỹ xa xôi.
Con côn trùng có nguồn gốc từ New Zealand này có thể là nguồn thức ăn của Vulcanops. Nguồn: Ytimg
Thức ăn của dơi cổ là côn trùng, nhện và weta, một cái tên phổ biến cho một nhóm 70 loài côn trùng có nguồn gốc ở New Zealand.
Ngoài ra, với kích thước răng đặc biệt cho thấy chúng ăn cả thức ăn thực vật cũng như động vật có xương sống nhỏ, tương tự như chế độ ăn của họ hàng hiện đại của chúng.
Sue Hand, tác giả chính của nghiên cứu và nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học New South Wales ở Sydney, cho biết: "Những con dơi hang có quan hệ gần gũi hơn với những con dơi sống ở Nam Mỹ so với ở vùng tây nam Thái Bình Dương. Loài sinh vật này thuộc về một liên họ dơi đã từng sống khắp các vùng đất phía nam của Úc, New Zealand, Nam Mỹ và có thể là Nam Cực."
Lý do là khoảng 50 triệu năm trước, bốn lục địa này đã được nối liền với nhau thành một siêu lục địa phía nam khổng lồ có tên gọi là Gondwana.
Nam cực từng là nơi sinh sống của loài dơi cổ. Nguồn: Petrotimes
Chúng cũng có thể sinh sống ở Nam Cực vì lúc đó nơi đây toàn là rừng cây, hoàn toàn không băng tuyết do nhiệt độ Trái Đất nóng hơn gần 12 độ C so với ngày nay.
Chỉ sau khi siêu lục địa bị tách ra thì khí hậu lạnh và băng giá mới phủ xuống Nam Cực, khiến dơi không thể tồn tại ở đây. Còn những con dơi hang của cộng đồng Australasia (Úc và New Zealand) thì bị chia cách (cắt đứt quan hệ) với họ hàng xa ở Nam Mỹ.
Ngoải ra, dơi hang cùng với các loài động vật khác như rùa đất, cá sấu và những loài sinh vật mang tính biểu tượng của New Zealand từ thời kỳ tiền sử này đã phát triển thành một quần thể động vật đa dạng và phức tạp.
Tuy nhiên, kể từ giữa thế Miocen, biến đổi khí hậu toàn cầu khiến cho thời tiết ở New Zealand trở nên lạnh và khô hơn, tác động đáng kể đến thảm thực vật và môi trường sống nơi đây.
Có lẽ vì vậy đã dẫn đến sự tuyệt chủng của dòng Vulcanops và giảm đi sự đa dạng sinh học của dơi nói chung.
Nghiên cứu về dơi cổ được đăng tải trên Scientific Reports.