Một phụ nữ được chôn cất trong lúc mang thai đã "hạ sinh" con ngay dưới mồ, một hiện tượng xảy ra khi bào thai trong bụng người mẹ đã chết bị tống ra ngoài.
Bộ hài cốt có niên đại từ năm 600 đến 700 của một thai phụ được tìm thấy vào năm 2010 ở thị trấn Imola, tỉnh Bologna ở miền đông bắc Italy.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Ferrara và Bologna đã phân tích xương cốt của người quá cố và phát hiện giữa hai xương chân của thai phụ có hài cốt của một bào thai. Hộp sọ và phần thân trên của bào thai nằm bên ngoài xương chậu của người phụ nữ, trong khi đôi chân vẫn còn ở bên trong cơ thể người mẹ.
Địa điểm khai quật ở tỉnh Bologna. Ảnh: Reuters |
Đây là trường hợp được nhóm chuyên gia gọi là "sinh trong quan tài", chỉ hiện tượng xảy ra khi bào thai trong bụng người mẹ đã chết bị tống ra ngoài sau khi được chôn cất.
Theo các nhà nghiên cứu trình bày trên chuyên san World Neurosurgery, bào thai được sinh ra giữa chừng khi mẹ mang thai khoảng 38 tuần.
Nhóm chuyên gia cũng tìm thấy một lỗ tròn đường kính 5 mm trên hộp sọ của người phụ nữ, cho thấy người này đã trải qua cuộc phẫu thuật khoan sọ, phương pháp từng được người xưa sử dụng để trị chứng tiền sản giật. Thai phụ sống thêm được 1 tuần kể từ khi bị khoan não, và được chôn cất trong lúc mang thai.
Hài cốt hai mẹ con. |
Thực tế, trong lịch sử đã có rất nhiều ghi chép nhắc đến hiện tượng thai phụ sinh con sau khi chết.
Vào năm 1551, một người phụ nữ Tây Ban Nha bị treo cổ. Tuy nhiên 4 giờ sau khi cô chết, người ta nhìn thấy 2 em bé rơi ra khỏi bụng người mẹ trong tình trạng đã ngưng thở và vẫn lủng lẳng trên giá treo.
Năm 1633 tại Brussels, Bỉ, một người phụ nữ chết do lên cơn co giật trong khi làm việc và cô đã hạ sinh một em bé 3 ngày sau đó. Năm 1677, một đứa trẻ cũng chui ra từ trong bụng của người mẹ sau khi người này đã chết được 18 tiếng. Năm 1861, một người phụ nữ đã “sinh” ra đứa con mới được 8 tháng sau khi đã tử vong 60 tiếng.
Theo lý giải của khoa học, khi quá trình phân hủy diễn ra, sự tăng lên nhanh chóng của số lượng vi khuẩn anerobic làm cho lượng khí ô-xi giảm đi đồng thời dẫn đến sự tích tụ của các chất khí như carbon dioxid và methane. Các chất khí này không chỉ làm cho cơ thể sưng phồng lên mà nó còn có vai trò tương tự như các tác nhân dẫn đến những cơn co thắt trước khi sinh trên cơ thể phụ nữ trong quá trình sinh nở bình thường.
Khi khối lượng các chất khí tăng lên sẽ tác động hay nói đúng hơn là tạo ra sức ép đẩy bào thai trong cơ thể mẹ ra ngoài.
Lê Huyền (tổng hợp)