Tin mới

Phát hiện tài sản dưới đất trị giá hàng chục tỷ phải làm sao?

Thứ ba, 03/03/2015, 09:30 (GMT+7)

“Nếu tôi phát hiện trong đất nhà mình có đá quý, vàng, cổ vật… mà giá trị hàng chục tỷ đồng thì phải làm sao để không vi phạm luật”, độc giả Lê Trang thắc mắc.>>> Hòn đá quý nặng 30 tấn, giá chục tỷ đồng sẽ được bán đấu giá>>> Cận cảnh hòn đá quý 27 tấn trị giá hàng tỷ đồng đào trong vườn cà phê>>> Gốc sưa "khủng" 17 tỷ đồng được đưa vào bảo tàng tỉnh Quảng Bình

“Nếu tôi phát hiện trong đất nhà mình có đá quý, vàng, cổ vật… mà giá trị hàng chục tỷ đồng thì phải làm sao để không vi phạm luật”, độc giả Lê Trang thắc mắc.


 

Mới đây, Công an tỉnh Đắk Nông đã tạm giữ một tảng đá khoảng 18 m3, nặng gần 30 tấn, ước tính có giá hàng chục tỷ đồng. Tảng đá được khai thác tại khu rẫy của ông Nguyễn Chí Thanh (ở thôn Nam Định, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil) khi ông này đang đào hồ lấy nước tưới cà phê.

Trước đó, UBND huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cũng tịch thu một hòn đá được bà Trần Thị Sắc (42 tuổi) phát hiện, đào được trong vườn nhà. Sau khi chính quyền tạm giữ cục đá, UBND huyện Chư Sê xử phạt bà 2 triệu đồng về hành vi Vận chuyển khoáng sản không nguồn gốc.

Năm 2014, ông Nguyễn Văn Thời (60 tuổi) và con trai Nguyễn Văn Huy (thôn 1 Phúc Đồng, Phúc Trạch, Bố Trạch) trong lúc đi rà cá ở khu vực ngầm Troóc đã phát hiện gốc gỗ nằm cách mặt nước khoảng 1m (ước tính giá trị khoảng 17 tỷ đồng).

Sau khi trục với thành công, gốc cây này cũng bị chính quyền tịch thu, đưa vào viện bảo tàng.

Qua những sự việc trên, nhiều độc giả băn khoăn: Nên xử trí thế nào trước việc nếu mình may mắn đào được đá quý, cây quý để không vi phạm pháp luật. Và quyền lợi, trách nhiệm của người dân khi phát hiện, đào được đá quý cây quý như thế nào?

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng luật Interla (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết.

Phát hiện tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm phải làm sao? 

Các trường hợp ngẫu nhiên tìm được tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được khoản 3, Điều 3 Nghị định 96/2009/NĐ-CP quy định là việc tổ chức, cá nhân không có thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm nhưng tìm thấy tài sản trong quá trình sinh hoạt, sản xuất.

Hình ảnh Hòn đá quý nặng 30 tấn, giá chục tỷ đồng sẽ được bán đấu giá số 1

Hòn đá quý nặng 30 tấn, giá chục tỷ đồng được phát hiện ở thôn Nam Định, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil. (ảnh Vietnamnet)

Như vậy trong trường hợp này khi tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm được tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm thì theo nguyên tắc phải bảo quản theo khả năng của mình, thông báo và giao nộp ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mà căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 5 và khoản 3, Điều 9 Nghị định 96/2009/NĐ-CP thì cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm là:

- Cơ quan quân sự nơi gần nhất đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm thuộc khu vực quân sự;

- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công an nơi gần nhất đối với tài sản bị chôn giấu không thuộc khu vực quân sự.

- Cảng vụ hàng hải hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh nơi gần nhất đối với tài sản bị chìm đắm không thuộc khu vực quân sự.

Tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm chịu trách nhiệm về thông tin đã thông báo.

Nếu trong trường hợp không có đủ cơ sở để xác định được loại tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy thì Sở Tài chính trực tiếp tiếp nhận, bảo quản. Nếu tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy nhỏ lẻ, có giá trị thấp (ước tính dưới 01 tỷ đồng) thì Sở Tài chính có thể ủy quyền việc tiếp nhận, bảo quản tài sản cho cơ quan tài chính cấp huyện.

Phần giá trị của tài sản trên 10 tỷ đồng thì quyền lợi người phát hiện thế nào?

Căn cứ vào Điều 240 BLDS 2005 quy định Vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với vật đó được xác định như sau:

1. Vật được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hoá thì thuộc Nhà nước; người tìm thấy vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;

2. Vật được tìm thấy không phải là di tích lịch sử, văn hoá, mà có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.

Để hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quy định tại Điều 240 Bộ luật dân sự thì Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2009/NĐ-CP mà cụ thể là điểm a, khoản 2, khoản 3, Điều 16 và khoản 1, Điều 17 quy định rõ ràng đối với các trường hợp tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm như sau:

Trường hợp 1. Nếu tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng được tính theo phương pháp lũy thoái từng phần, cụ thể như sau:

- Phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 30%;

- Phần giá trị của tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 15%;

- Phần giá trị của tài sản trên 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 7%;

- Phần giá trị của tài sản trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 1%;

- Phần giá trị của tài sản trên 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 0,5%;

Giá trị của tài sản để trích thưởng được xác định sau khi trừ các khoản chi phí.

Trường hợp 2. Nếu tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì được hưởng toàn bộ hoặc một phần giá trị của tài sản được tìm thấy như sau:

a) Nếu tài sản có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (tại thời điểm tìm thấy và giao nộp tài sản) sau khi trừ các khoản chi phí hợp lý có liên quan thì xử lý theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Nghị định này;

b) Nếu tài sản có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (tại thời điểm tìm thấy và giao nộp tài sản) sau khi trừ các khoản chi phí hợp lý có liên quan thì tổ chức, cá nhân tìm thấy tài sản được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm mà không thông báo, không giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 5, Điều 9 Nghị định 96/2009/NĐ-CP hoặc tự ý khai quật, trục vớt tài sản thì không được hưởng, không được thưởng theo giá trị tài sản tìm thấy, bị xử lý hành chính và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đức Thuận

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news