Nghiên cứu của ĐH Rutgers cho thấy những người dậy sớm có nguy cơ mắc một căn bệnh liên quan đến chuyển hóa thấp hơn so với những người ngủ muộn. Theo đó, ngủ muộn làm tăng tình trạng kháng insulin. Đây gọi là hội chứng chuyển hóa, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, đột quỵ...
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Experimental Physiology , đã quan sát số giờ hoạt động (kiểu thời gian) của 51 người trưởng thành. Những người tham gia được kiểm tra sự chuyển hóa chất béo khi nghỉ ngơi và tập thể dục, cùng với đồng hồ bên trong cơ thể (nhịp sinh học). Họ được chia thành nhóm dậy sớm (những người đi ngủ trước 11 giờ đêm) và nhóm cú đêm (những người thường đi ngủ lúc 1 giờ sáng hoặc muộn hơn). Mỗi người tham gia đều đeo một máy đo gia tốc và được đo huyết áp, vòng eo sau khi nhịn ăn.
Nghiên cứu kết luận rằng những người dậy sớm chuyển hóa lượng chất béo cao hơn trong khi tập thể dục và nhịn ăn so với những người thức khuya.
Steven Malin, tác giả chính của nghiên cứu và giáo sư sức khỏe chuyển hóa và nội tiết tại Rutgers giải thích với Inverse: "Chúng tôi muốn xem những gì đang xảy ra với sự trao đổi chất của họ, cả trong trạng thái nghỉ ngơi hoặc nhịn ăn, ngoài khi tập thể dục hoặc vận động". Các nhà khoa học phát hiện ra cú đêm sử dụng ít chất béo hơn, bất kể trạng thái như thế nào. Nghĩa là dù nhịn ăn, tập luyện cường độ vừa hay cao thì họ cũng tiêu hao ít chất béo hơn.
Điều đó cho thấy cú đêm chuyển hóa chất béo thấp hơn và ít khả năng lưu trữ glucose vì năng lượng đi kèm với hoạt động thể chất ít hơn, cường độ tập thể dục ít hơn. Tất cả đều dẫn đến các nguy cơ về bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Kháng insulin có thể gây ra bệnh tiểu đường type 2 và thậm chí gây tử vong. Tình trạng mãn tính này cũng có thể gây ra các biến chứng lớn, chẳng hạn như cắt cụt chi, đột quỵ, đau tim và suy thận, theo Diabetes UK
Dựa trên nghiên cứu, những người dậy sớm thường hoạt động nhiều hơn. Dậy sớm cho phép bạn thực hiện các công việc và hoạt động sớm hơn, đồng thời làm được nhiều việc hơn. Theo Malin, hoạt động hàng ngày này có lẽ giúp tăng cường sự trao đổi chất của một người và kích hoạt phản ứng tốt hơn với insulin.
Malin chia sẻ: "Chúng ta càng vận động nhiều thì sức khoẻ của chúng ta càng tốt. Chúng tôi thấy nguy cơ tử vong, bệnh tim mạch... giảm mạnh nhất từ rất ít vận động sang năng động".
Mỗi người đều có sở thích ngủ riêng nhưng hãy tăng cường vận động nhiều hơn mỗi ngày. Bạn chỉ cần đi bộ hoặc thực hiện một số bước bổ sung cho thói quen của mình để thúc đẩy quá trình trao đổi chất một cách tốt nhất. Điều chỉnh giờ đi ngủ và thức dậy sớm hơn chỉ 15 phút có thể thực sự thay đổi cuộc sống. Bạn đã sẵn sàng áp dụng thói quen trước khi đi ngủ này để làm chậm quá trình lão hóa và sống lâu hơn chưa? Chúng tôi hy vọng bạn có thể làm được!
(Theo Eatthis)