“Chồng vẫn có thể phản bội mình, con cái vẫn có thể bất hiếu, dù mình có hi sinh cả cuộc đời cho họ. Vì thế mình phải biết yêu lấy bản thân mình, mình sống cho mình, đừng âm thầm chịu đựng, hi sinh”, nhà văn Tâm Phan chia sẻ.
Là tác giả cuốn “Hồi ký Tâm Phan”, “Sex và những thứ khác”, “Lần đầu làm mẹ”, Tâm Phan được biết đến là một nhà văn trẻ mạnh mẽ và cá tính. Nhân dịp trở về Hà Nội ra mắt cuốn sách mới “Yêu như là sống”, Tâm Phan đã dành thời gian trò chuyện với VietNamNet về hình ảnh của người phụ nữ hiện đại và chuyện kiếm tiền, chia sẻ việc nhà trong gia đình.
- Một thực trạng đáng báo động ở các gia đình Việt Nam hiện nay là đàn ông không biết chia sẻ việc nhà với phụ nữ. Người vợ cũng đi làm, cũng kiếm tiền nhưng về nhà thì quần quật trong bếp nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, còn ông chồng thì gác chân đọc báo đợi cơm. Nếu Tâm Phan rơi vào trường hợp này, chị sẽ xử lý như thế nào?
Tôi sẽ yêu cầu chồng giúp chia sẻ việc nhà một cách khéo léo. Thay vì cằn nhằn đòi hỏi, tôi sẽ nói rằng "nếu em nấu cơm thì anh giúp em rửa bát, hoặc trong lúc em rửa bát thì anh cho con đi ngủ. Như vậy việc nhà sẽ được giải quyết nhanh và chúng mình có nhiều thời gian cho nhau hơn. Nếu em phải làm hết việc nhà một mình thì cuối ngày em sẽ rất mệt, chỉ muốn đi ngủ, không có thời gian riêng cho anh nữa. Em thà có anh giúp và sau đó chúng mình massage cho nhau, vừa tình cảm mà công việc nhà lại trở nên nhẹ nhàng”.
- Trong gia đình chị, việc nhà được phân chia như thế nào? Chồng chị có chia sẻ việc nhà với chị không?
Hiện tại tôi không đi làm nên việc nhà tôi quán xuyến hết. Tuy nhiên chồng tôi cũng rất thích vào bếp, thỉnh thoảng anh yêu cầu được nấu món ăn sở trường của anh cho cả nhà. Mỗi tháng có 1-2 lần tôi tham dự tiệc tùng với nhóm bạn gái. Anh đi làm về nấu cơm chăm con rất tốt để vợ an tâm đi chơi.
Gia đình hạnh phúc của Tâm Phan. |
- Cũng có những người phụ nữ lên tiếng đòi các ông chồng phải phụ việc nhà. Nhưng họ lại bị cánh đàn ông kết tội là lắm mồm và hay đòi hỏi. Chị nghĩ sao?
Tôi nghĩ là họ đòi hỏi chưa đúng cách hoặc chưa đủ khéo đấy thôi. Hãy lôi kéo quyền lợi của chồng khi giúp việc nhà thì anh ta sẽ nhiệt tình chia sẻ công việc nhà với vợ ngay.
- Dù đòi hỏi đúng cách hay chưa đúng cách, cánh đàn ông vẫn cho rằng phụ nữ đòi hỏi là ích kỷ?
Đàn ông kêu phụ nữ ích kỷ là họ đang tống tình. Họ gán cho phụ nữ từ ích kỷ để điều khiển phụ nữ làm theo ý muốn của họ, có lợi cho họ, phụ nữ phải tỉnh táo để hiểu được điều này.
Chồng vẫn có thể phản bội mình, con cái vẫn có thể bất hiếu, dù mình có hi sinh cả cuộc đời cho họ. Vì thế mình phải biết yêu lấy bản thân mình, mình sống cho mình, đừng âm thầm chịu đựng, hi sinh. Phụ nữ phải luôn ý thức được giá trị của bản thân. Phải biết yêu lấy mình, sống theo cách mình cảm thấy hạnh phúc nhất. Biết yêu bản thân thì mới biết yêu người xung quanh, yêu chồng, yêu con.
Vào thời điểm những năm 2001, tôi cũng thuộc dạng phụ nữ gọi dạ bảo vâng, nghe lời cha mẹ, chiều chuộng người yêu, không tự quyết định được điều gì cả. Bởi tôi lớn lên trong một gia đình truyền thống ở Hà Nội và được nuôi dạy như thế. Tôi muốn làm đạo diễn điện ảnh, nhưng người yêu tôi khi ấy muốn tôi làm giáo viên, tôi cũng nghe lời đi học làm giáo viên. Nhưng những trải nghiệm đã giúp tôi nhận ra, tôi phải sống theo ý muốn của mình thì tôi mới hạnh phúc. Và chính suy nghĩ ấy đã giúp tôi đưa ra nhiều quyết định thay đổi cuộc đời mình. Và cuộc sống hiện tại của tôi không có gì phải phàn nàn cả.
- Chị có chia sẻ trong buổi gặp gỡ độc giả tại buổi ra mắt sách rằng mình là một người phụ nữ vừa hiện đại, vừa cổ điển truyền thống. Và cuộc sống hiện tại của chị không có gì phải ca thán. Chị có thể chia sẻ bí quyết sử dụng cái hiện đại và truyền thống ấy trong quan hệ vợ chồng để có cuộc sống như hiện nay?
Tâm Phan: “Từng bị kỳ thị vì lấy chồng Tây”
Tâm Phan (tác giả của cuốn Hồi ký Tâm Phan) vốn được biết đến với tính cách mạnh mẽ. Thế nhưng, mấy ai biết được đằng sau đó là câu chuyện về cô gái từng bị hàng xóm kỳ thị nặng nề vì lấy chồng Tây.
Hiện đại đối với tôi đơn giản là sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng. Còn truyền thống là những giá trị đạo đức cần duy trì trong mối quan hệ. Đó là lòng chung thủy, sự chân thành và tôn trọng lẫn nhau.
Cả hai vợ chồng tôi làm việc gì cũng thảo luận, hỏi ý kiến nhau. Đó là sự bình đẳng. Khi tôi viết hồi ký, dù anh ấy không biết tiếng Việt, nhưng đoạn nào liên quan đến anh ấy, tôi viết gì tôi cũng nói với anh ấy, xin phép anh ấy đồng ý rồi mới viết. Chúng tôi luôn thành thật với nhau như thế. Theo tôi đó là thứ giữ cho hôn nhân bền vững bởi giữa chúng tôi không có sự khuất tất, không có gì phải nghi ngờ nhau. Chỉ cần một người không trung thực, một lần lừa dối nhau là đã có thể phá hoại một cuộc hôn nhân.
- Phụ nữ Việt đang bị gán mác là sống dựa chồng (vì đa số kiếm ít tiền hơn chồng). Chị nghĩ sao về vấn đề này? Quan điểm của chị về chuyện kiếm tiền trong gia đình?
Tôi hiện nay cũng thuộc loại "sống dựa chồng" nên tôi cảm thấy bị xúc phạm khi có ai đó coi thường công việc của một người nội trợ. Tôi đã từng đi làm, có địa vị trong xã hội nhưng điều đó cũng có nghĩa là thời gian dành cho gia đình ít đi, con cái gửi cho người khác nuôi. Tôi nhận thấy tầm quan trọng của vai trò người xây tổ ấm trong gia đình nên tôi đã nghỉ việc. Đây là một sự hy sinh lớn lao nhưng ít người nhận thấy. Trong những nghề tôi đã làm thì nghề "nội trợ" là cái nghề khó nhất, vất vả nhất, bị đánh giá thấp nhất mà lại không có lương bổng. Nếu không vì hạnh phúc gia đình tôi đã không bao giờ chọn cái nghề này.
- Bí quyết để giữ cuộc sống hôn nhân luôn hạnh phúc?
Để giữ gìn hôn nhân lâu dài và hạnh phúc thì phải biết điều. Chồng biết điều và vợ cũng biết điều. Tình yêu có thể phai nhạt nhưng hai vợ chồng biết cư xử, đối đãi với nhau như khách quý thì hôn nhân sẽ lâu bền. Ngược lại, dù yêu nhau nhưng không biết cách cư xử, lúc nào cũng cay nghiệt với nhau thì hôn nhân sẽ sớm tan vỡ.