Tính đến chiều 24/1, theo trang tin của Bộ Y tế, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới, tổng số bệnh nhân đến thời điểm này là 1.548 người, trong đó có 1.411 người được chữa trị thành công. Đây cũng là ngày thứ 54 liên tiếp nước ta không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Tại Việt Nam, tình hình vẫn đang được kiểm soát, dù vậy nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn đề cao cảnh giác: "Chúng ta phải giữ chặt, từng li từng tí một mới kiểm soát được lây nhiễm Covid-19. Dù trong bối cảnh hiện nay, một số nước đã có vaccine tiêm phòng, nhưng việc lây nhiễm Covid-19 còn lây nhanh hơn tốc độ tiêm".
Mỗi lần phát hiện ổ dịch, Việt Nam đều kiểm soát nhờ vào phương pháp xét nghiệm mẫu gộp. Vì vậy chỉ sau một thời gian ngắn, dịch bệnh đã được khoanh vùng. Mới đây, một tạp chí y học nước ngoài đã đánh giá cao phương pháp xét nghiệm của Việt Nam giúp kịp thời ngăn chặn dịch, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Tạp chí y học The American Journal of Tropical Medicine and Hygiene cho rằng phương pháp xét nghiệm SARS-CoV-2 mẫu gộp của Việt Nam đạt được kết quả thần tốc khi xét nghiệm mẫu dịch mẫu họng cho 96.123 người ở Đà Nẵng chỉ trong vòng 2 tuần. Không những thế, nó còn giúp tiết kiệm 77% sinh phẩm.
Thay vì theo cách truyền thống xét nghiệm từng mẫu đơn lẻ thì cơ quan y tế đã tiến hành chia gần 100 ngàn mẫu này thành 22.290 mẫu gộp, mỗi mẫu gộp chứa dịch phết mũi họng của 2-7 cá nhân.
Cuối cùng thông qua xét nghiệm lại từng người một lần nữa, phát hiện 32 người mắc Covid-19. Tạp chí nghiên cứu này cho rằng, nếu ngay từ ban đầu áp dụng phương pháp xét nghiệm đơn lẻ thì có thể sẽ phải mất đến 64 ngày. Như vậy, nhờ vào việc xét nghiệm mẫu gộp, thời gian đã được rút ngắn 50 ngày.
Bên cạnh đó, chi phí cho việc xét nghiệm cũng được giảm đi đáng kể. Trong công tác phòng dịch, thời gian phát hiện ca nhiễm là rất quan trọng để có thể kịp thời khoanh vùng dịch. Nhóm nghiên cứu này cũng cho biết khi so sánh độ nhạy của phương pháp xét nghiệm mẫu gộp và xét nghiệm mẫu đơn lẻ cho thấy không có sự thay đổi.