Tin mới

Quan hệ đối tác Nga-Trung: Cùng nhau chống lại trật tự thế giới do Mỹ-phương Tây chi phối

Thứ bảy, 09/06/2018, 09:27 (GMT+7)

Nếu như Nga-Trung chỉ là đối tác chiến lược thì sẽ có nhiều lợi ích và thậm chí vô hại, nhưng nếu hai nước này trở thành đồng minh chiến lược thì lợi bất cập hại.

Nếu như Nga-Trung chỉ là đối tác chiến lược thì sẽ có nhiều lợi ích và thậm chí vô hại, nhưng nếu hai nước này trở thành đồng minh chiến lược thì lợi bất cập hại.

Nga - Trung gắn bó

Nhân dịp hội nghị cấp cao thường niên năm nay của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra ở Thanh Đảo (Trung Quốc), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện chuyến thăm làm việc ở Trung Quốc.

Lần trước tới thăm Trung Quốc, ông Putin có quà tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một thùng kem. Lần này, ông Putin chỉ tiết lộ món quà sẽ là một "bất ngờ". Chỉ như vậy không thôi đã đủ để báo hiệu chuyến đi Trung Quốc lần này của ông Putin sẽ đạt kết quả tốt đẹp nói riêng, và mối quan hệ giữa hai nước là láng giềng của nhau này nói chung cũng vẫn rất tốt đẹp.

Bối cảnh tình hình hiện tại trên thế giới liên quan đến lợi ích chiến lược và quan hệ quốc tế của cả hai càng thôi thúc hai nước này gắn bó với nhau hơn.

Mỹ và EU vẫn rất căng thẳng với Nga về nhiều chuyện ở châu Âu và cả ở Syria. Mỹ rút khỏi thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích nhiều bề của cả Nga lẫn Trung Quốc ở Iran.

Quan hệ đối tác Nga-Trung: Cùng nhau chống lại trật tự thế giới do Mỹ-phương Tây chi phối - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Mặt khác, Trung Quốc thì lại đang bị Mỹ cạnh tranh chiến lược quyết liệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về chính trị an ninh khu vực cũng như về kinh tế và thương mại.

Hơn nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp gặp nhau. Trung Quốc và Nga có nhu cầu ngày càng lớn hơn về thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trên thế giới, ở châu lục cũng như các khu vực khác, trong khi quan hệ hợp tác song phương thuần túy đang rất thuận lợi và chỉ cần được tiếp đà phát triển.

Chỉ đối tác, không đồng minh

Không có gì lạ khi Trung Quốc và Nga càng bị các đối thủ và địch thủ của họ gây áp lực và dồn ép thì lại càng xích lại gần nhau hơn, đồng hành tin cậy nhau hơn và hợp tác hiệu quả hơn.

Mối quan hệ đối tác chiến lược này là chất keo gắn kết hai nước với nhau. Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục phát triển trong khuôn khổ quan hệ ấy, nhưng cũng sẽ chỉ dừng lại ở đó mà không liên minh với nhau, chỉ tiếp tục thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong mọi vấn đề, chứ không trở thành đồng minh chiến lược của nhau trong tất cả mọi chuyện.

Trước hết, bởi hiện tại hai bên không những không buộc phải liên minh với nhau, mà không liên minh thì sẽ có phạm vi hoạt động còn rộng lớn hơn, giúp họ dễ tập hợp lực lượng hơn. 

Điều quan trọng đối với cả hai là tin tưởng lẫn nhau rằng bên này trong chuyện nào đó có thể không hữu ích hay giúp sức, không hậu thuẫn tận tình hay đủ mức thì cũng không làm gì tổn hại đến lợi ích của bên kia, cho dù giữa hai bên không hẳn hoàn toàn không có xung khắc lợi ích gì.

Hay nói cách khác, nếu là đối tác chiến lược thì đầy lợi và vô hại - trong khi đồng minh chiến lược thì lợi bất cập hại.

Tiếp đến, không thể không thấy hai bên hiện tại hoàn toàn không hề có chủ đích liên minh với nhau. Trung Quốc không sẵn sàng và Nga cũng không muốn, bởi tương quan hiện tại không thật sự ngang bằng giữa hai bên, mà nếu không bình đẳng thì quan hệ liên minh chiến lược khó có thể thể bền vững.

Trung Quốc có ưu thế hơn Nga về tiềm lực kinh tế và tài chính, trong khi Nga có lợi thế hơn Trung Quốc về chính trị an ninh thế giới.

Hơn nữa, có thể nhận thấy là hai nước này dường như đã ngầm thỏa thuận với nhau về khu vực ảnh hưởng và phạm vi hoạt động chính trị an ninh.

 

Trung Quốc không ngăn cản, cho dù không phải luôn hậu thuẫn hoàn toàn Nga ở châu Âu và vùng Vịnh, còn Nga hậu thuẫn hoặc giữ thái độ trung lập trong những gì Trung Quốc mưu đồ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kể cả ở Đông Bắc Á và khu vực Biển Đông. Hai bên đồng hành với nhau ở khu vực Trung và Nam Á.

Giữa Trung Quốc và Nga có sự đồng thuận quan điểm sâu sắc và trên phương diện này, đó chính là hai bên thật sự cùng hội cùng thuyền, cùng chống lại mọi kiểu trật tự thế giới về mọi phương diện do Mỹ và Phương Tây chi phối.

Để làm việc này, Trung Quốc và Nga chưa cần phải thành lập liên minh chiến lược với nhau, mà hiện tại chính mối quan hệ đối tác chiến lược của họ là công cụ còn hữu dụng hơn và là phương cách hiệu quả hơn rất nhiều.

Đại sứ Trần Đức Mậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news