Liên quan đến quy định "gia đình có người chết phải báo trước" của doanh nghiệp, sau nhiều ngày đình công, 10/16 kiến của hàng nghìn công nhân ở Thanh Hóa được chấp thuận.
Cty TNHH S&H Vina Thạch Thành nơi có những quy định vô cùng hà khắc. Ảnh: Giao thông |
Theo thông tin trên VnEpress, Công lý sáng 11/9, hơn 6.000 công nhân Công ty TNHH S&H Vina ở xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã trở lại làm việc sau nhiều ngày đình công.
Ông Ngô Tôn Tẫn - Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa cho hay, Công ty S&H Vina Thạch Thành đã đáp ứng phần lớn những kiến nghị của các công nhân. Cụ thể, 10/16 kiến nghị như chế độ tiền lương, phép năm, thời gian làm việc, chế độ thai sản, hỗ trợ xăng xe, hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ, phụ cấp thâm niên, tiền chuyên cần,... của công nhân đã được công ty thông qua bằng văn bản và cam kết thực hiện thời gian tới. Còn lại nhiều kiến nghị khác chưa thể đáp ứng do còn phụ thuộc trực tiếp vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hoá khẳng định tiếp tục giám sát, phối hợp với cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động theo đúng quy định pháp luật.
"Quy định liên quan đến việc nghỉ ốm đau, nghỉ do người thân mất đã được công ty bãi bỏ. Phía công ty thống nhất, những trường hợp nghỉ đột xuất như ma chay, đau ốm vẫn được tính là nghỉ có lý do chính đáng và không bị trừ tiền chuyên cần…”, nữ công nhân Nguyễn Thị Tâm cho biết.
Như tin đã đưa, từ ngày 6-9/9, hơn 6.000 công nhân Công ty TNHH S&H Vina Thạch Thành, chuyên sản xuất về may mặc đã đồng loạt nghỉ làm và đình công đòi quyền lợi. Các công nhân gay gắt phản đối các quy định vô lý của Công ty như nhà có người chết tai nạn, ốm đau, bệnh tật phải báo trước mấy ngày. Ngoài ra, công nhân cũng đề nghị tăng lương cơ bản; khi ốm đau đột xuất hoặc gia đình có người mất mà nghỉ làm thì không được trừ tiền chuyên cần,...
Nhiều công nhân bức xúc, cho biết, phía công ty đưa ra những quy định vô cùng hà khắc và thậm chí là “không có tình người”. Bởi lẽ, nếu người thân (tứ thân phụ mẫu) của một công nhân qua đời, công ty vẫn buộc phải làm giấy xin phép nghỉ trước 3 ngày. Nếu ai không thực hiện, sẽ bị công ty xử phạt bằng cách trừ vào lương chuyên cần và trừ 1 ngày lương cơ bản.
Ngoài những vấn đề trên, công nhân còn bức xúc trước việc ông Mai Sỹ Nghĩa - Phiên dịch viên kiêm quản đốc phân xưởng 1 trong quá trình làm việc đã dùng lời lẽ xúc phạm công nhân. Ông Nghĩa đã chửi nhiều công nhân với ý phân biệt người dân tộc thiểu số. Trong khi đa số công nhân tại công ty này là người dân tộc thiểu số nên đã gây bức xúc cho công nhân thời gian qua.
Đức Hòa (tổng hợp)