Năm 2014, hàng trăm vụ rắn lục đuôi đỏ cắn người ở các tỉnh miền Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung... , đã gây hoang mang dư luận trong suốt thời gian vừa qua.
Theo thống kê của Sở Y tế, trong tháng 10 và 11/2014, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 135 người, chủ yếu ở các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành và Tư Nghĩa bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện điều trị.
Tương tự, nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Huế... người dân cũng liên tục phát hiện hoặc bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Tại Phú Yên, đã ghi nhận được gần 100 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Riêng Bệnh viện đa khoa H.Tây Hòa đã tiếp nhận, điều trị hơn 67 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở cả khu dân cư, tấn công người dân vào bất cứ lúc nào. Rắn xuất hiện trên các bụi cây quanh nhà, trong vườn khiến người dân lo lắng.
Giải thích hiện tượng trên với VnEpxress, Chủ tịch Hội động vật học Đặng Huy Huỳnh đưa ra hai khả năng. Thứ nhất, trong quá trình vận chuyển buôn bán của nhóm đối tượng nào đó, rắn đã xổng ra ngoài. Thứ hai là do môi trường sống thay đổi, rắn không còn thức ăn nên phải tìm kiếm ở khu vực khác.
"Tình trạng phá rừng khiến rắn không còn nơi trú ẩn và thức ăn, chúng có thể vào nhà dân, nơi có chuột, ếch, côn trùng để tìm kiếm thức ăn và để ẩn nấp", giáo sư Huỳnh nói. Đồng thời, ông Huỳnh cho biết, rắn thường chui vào gầm giường vì chúng ưa bóng tối và mát mẻ.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Lê Nguyên Ngật (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng cho rằng, rắn lục xuất hiện ở khu vực nhà dân có thể do thức ăn của chúng đã cạn kiệt. "Rắn lục đuôi đỏ thường không gây nguy hiểm cho con người. Chúng không bao giờ chủ động cắn người mà chẳng may ai đó đụng vào chúng sẽ bị cắn", ông Ngật nói.
Rắn lục đuôi đỏ mang thai do người dân bắt được ở giữa khu dân cư huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. (Ảnh: VnExpress).
Để tránh rắn lục đuôi đỏ, ông Nguyễn Quảng Trường (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) khuyên, người dân nên dọn dẹp sạch sẽ, phát quang bụi rậm. Khi bị rắn cắn, người bị thương nên dùng garo vải (không dùng garo cao su) và đưa tới bệnh viện gần nhất. "Rắn lục đuôi đỏ không phải loại rắn cực độc có thể gây chết người ngay như các loài cạp nong, cạp nia hay hổ mang, vì vậy việc sơ cứu ban đầu là rất cần thiết", ông Trường nói.
Còn theo giáo sư Huỳnh, rắn thường sống và tìm kiếm thức ăn vào ban đêm, nên người dân cần đóng cửa kín khi ngủ, không nên nằm ở nền đất ẩm; bên cạnh đó, cần chú ý đến khu vực bể nước, nơi ẩm ướt, gầm giường. Các gia đình có thể dùng chó để đuổi rắn.
"Khi thấy rắn, mọi người chỉ cần dùng que, gậy để xua đuổi, chứ không nên bắt, giết chúng vì rắn lục đuôi đỏ sẽ không tấn công nếu không bị đe dọa; đồng thời cũng là để bảo tồn đa dạng sinh học của loài này", giáo sư Huỳnh cho hay.
Rắn lục đuôi đỏ tên khoa học là Trimeresurus albolabris. Chiều dài thân con đực 600 mm, con cái 810 mm. Thân của chúng tròn, có các vảy gồ lên. Đầu và thân rắn có màu xanh lá cây, cằm, cổ họng và bụng màu xanh lục nhạt hay trắng vàng nhạt.
Loài này thường thích sống ở vùng đồi núi có độ cao dưới 400 m, trong các khu rừng thường xanh, đầm lầy hay các khu đất nông nghiệp. Thức ăn của rắn là chuột, chim, thằn lằn và ếch. Chúng thường ở trên mặt đất vào ban đêm và nghỉ ngơi trên cây vào ban ngày.
My Vân (TỔNG HỢP)
Theo Đời sống & Pháp luật