Người tham gia giao thông chỉ được phép rẽ phải khi đèn đỏ tại một số điểm cho phép, còn lại đều là vi phạm lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông.
Việc xe máy có được phép rẽ phải khi đèn đỏ tại các ngã ba ngã tư hay không đa phần người tham gia giao thông đều mù mờ. Có người nói được, có người lại cho rằng là sai luật. Và câu chuyện là dù biết sai thì phần đông người vẫn đi vì tiện.
Luật giao thông đường bộ hiện hành quy định khi thấy đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, người điều khiển xe tham gia giao thông phải dừng lại. |
Khi nào đèn đỏ vẫn được phép lưu thông
Thực tế, theo Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ ngoại lệ được rẽ phải khi đèn đỏ trong các trường hợp:
- Có đèn xanh báo hiệu ưu tiên cho phép lưu thông được lắp đặt kèm theo;
- Có biển báo hiệu cho phép các xe lưu thông được lắp đặt kèm theo;
- Có lắp đặt tiểu đảo để phân luồng cho phép các xe rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông.
Xử phạt thế nào với các trường hợp vi phạm rẽ phải khi đèn đỏ
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì khi thấy đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải dừng lại.
Trường hợp vi phạm rẽ phải khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ, người điều khiển xe sẽ bị xử phạt theo nghị định 46/2016/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 1.200.000 - 2.000.000 đồng và tước GPLX 01 - 03 tháng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông (căn cứ Điểm a Khoản 5 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng và tước GPLX 01 - 03 tháng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông (căn cứ Điểm c Khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
Trang Vũ (tổng hợp)