Các nhà điều tra cho rằng, thị trường chợ đen buôn bán nội tạng ở Anh vẫn rất sôi động và ngày càng trở nên đáng lo ngại.
Báo An ninh Thủ đô dẫn thông tin được đăng tải trên tờ Daily Mail (Anh), cảnh sát Anh vừa giải cứu một cậu bé 12 tuổi và một người phụ nữ khoảng 30 tuổi bị băng nhóm tội phạm đưa vào Anh để bán nội tạng.
Theo tin tức từ cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia Anh (NCA), cậu bé 12 tuổi và người phụ nữ khoảng 30 tuổi đã bị một băng nhóm tội phạm đưa từ Châu Phi hoặc Châu Á sang Anh. Hai người được đưa sang Anh để bán nội tạng cho những người có nhu cầu.
Thế giới ngầm buôn bán nội tạng ở “xứ sở sương mù” cũng rất sôi động.
Một nhân viên của NCA nhận định: “Vụ việc một lần nữa cho thấy, nạn buôn người, buôn bán nội tạng người ở Anh vẫn rất sôi động. Các băng nhóm tội phạm sẵn sàng làm những điều tồi tệ nhất để kiếm tiền. Quá trình theo dõi, cảnh sát và cơ quan quản lý di trú đã phát hiện nhiều điều bất thường và quyết định giải cứu hai người”.
Cũng theo báo An ninh Thủ đô, việc buôn bán nội tạng bất hợp pháp đầu tiên ở Anh bị phát hiện vào năm 2011. Liên tiếp sau đó, hàng loạt vụ buôn người, mổ lấy nội tạng để bán cho các bệnh nhân có nhu cầu bị phát hiện.
Mới đây, cảnh sát phát hiện một cô gái Somalia được đưa đến Anh với ý định đánh cắp nội tạng và bán chúng cho các bệnh nhân tuyệt vọng đang chờ có tạng để ghép.
Ảnh minh họa.
Một thủ đoạn mới rất đáng lo ngại hiện nay là các băng nhóm tội phạm sử dụng “chiêu bài” Từ thiện, “chiến dịch tình nguyện” để đưa người từ nước ngoài đến Anh hiến tạng nhưng thực chất, đó là một đường dây buôn bán nội tạng người “chính hiệu”, cảnh sát cho hay.
Cảnh sát cũng đã phát hiện những “đường dây” khép kín buôn bán nội tạng người. Có bộ phận chuyên tìm kiếm đối tượng có nhu cầu bán thận ở nước ngoài, đưa đến Anh và ở đây sẽ có các chuyên gia y tế thực hiện lấy tạng “một cách nhanh gọn”.
NCA nhận định, cùng với nạn bóc lột tình dục và nô lệ thời hiện đại, buôn bán nội tạng được xác định là tội phạm hoạt động xuyên quốc gia.
Anne Read, một nhân viên của Salvation Army cho biết, những nạn nhân bị đánh cắp nội tạng luôn phải sống trong nỗi ám ảnh và sợ hãi.
“Năm 2011, chúng tôi đã giúp đỡ một phụ nữ là nạn nhân của tội phạm buôn bán nội tạng người. Mặc dù được giải cứu kịp thời nhưng cô đã bị tổn thương nặng nề và luôn sống trong sự sợ hãi. Cô gái đã phải trải qua những thử thách khủng khiếp”, Anne Read nói.
Chloe Setter thuộc tổ chức từ thiện bảo vệ trẻ em ECPAT UK cho biết, “Chúng tôi biết một số ít nạn nhân nhưng đó có thể chỉ là đỉnh của tảng băng trôi. Đánh cắp nội tạng phổ biến ở nhiều quốc gia và Anh cũng không nằm ngoài “thị trường” đó. Tội phạm buôn người luôn nhắm mục tiêu vào những đối tượng dễ bị tổn thương nhất như trẻ em, người nghèo, người tị nạn và người di cư. Đó là những người đang tuyệt vọng và dễ dàng để có được sự thỏa hiệp”.
Báo điện tử Đài tiếng nói VN dẫn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm khoảng 70.000 quả thận được ghép cho các bệnh nhân trên toàn cầu, trong đó khoảng 15.000 quả thận có nguồn gốc từ thị trường buôn bán nội tạng bất hợp pháp.
Điều đáng nói là các cơ quan chức năng rất khó phát hiện ra những vụ mua bán bất hợp pháp này, nếu như nạn nhân không tự nói ra. Thực trạng buôn bán nội tạng ở nhiều quốc gia hiện nay còn đặt ra vấn đề là sự day dứt về số phận những con người mà cuộc sống khốn khó khiến họ phải chấp nhận từ bỏ một phần cơ thể mình.
LINH SAN (Tổng hợp)/ĐSPL