Theo khảo sát của PV, tại hầu hết các cửa hàng bán rượu ngoại đều có bán rượu mang mác hàng xách tay từ nước ngoài về. Đáng chú ý, nhiều người bán hàng trên phố cũng chào bán rượu ngoại xách tay. Sản phẩm rượu xách tay chính hãng từ nước ngoài có thực sự đúng danh như các cửa hàng rượu giới thiệu hay chỉ là hàng giả?
Rượu làng gắn mác... quốc tế
Tại TP.HCM, các khu vực tập trung nhiều cửa hàng rượu ngoại như đường Lê Văn Sỹ, Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), đường Nguyễn Thông (quận 3), đường Châu Văn Liêm (quận 5),... khách hàng đều dễ dàng mua được rượu ngoại xách tay với giá rẻ hơn rất nhiều so với các loại rượu bày bán trong các cửa hàng được các hãng rượu ủy quyền, hay tại các siêu thị. Không chỉ bán tại các cửa hàng, một lượng lớn rượu không nguồn gốc này cũng được mua bán rầm rộ qua các trang quảng cáo trên mạng với hình thức giao hàng tận nơi. Theo một cán bộ hải quan tại cửa khẩu Bình Hiệp (Long An), rượu ngoại giả, rượu ngoại lậu được một số đầu nậu rượu sử dụng thủ đoạn gian lận thương mại, khi làm thủ tục thông quan và tạm nhập tái xuất để đưa hàng vào nội địa nước ta.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết: "Rượu, bia là một trong những nhóm bị làm giả nhiều nhất trong tổng số 30 nhóm hàng bị làm giả, làm nhái mà Hội thống kê được. Mặt hàng rượu ngoại, hàng giả, hàng nhái chiếm khoảng 10-15% và nếu tính luôn cả hàng xách tay, hàng miễn thuế (hàng gian lận thuế) thì tỷ lệ lên đến 40% - 50%. Trước đây, những loại rượu ngoại nào Nhà nước quy định dán tem mà không có tem theo quy định đều bị liệt vào hàng giả. Vào thời điểm hiện nay, khi Chính sách giao thương trở nên rộng rãi, trên thị trường xuất hiện nhiều loại rượu mua từ các cửa hàng miễn thuế, xách tay từ nước ngoài đem về không nộp thuế, sau đó đem bán ra thị trường. Những loại rượu này không phải là hàng giả".
Không ít các cơ sở sản xuất rượu ngoại giả bị cơ quan chức năng triệt phá.
Cũng theo ông Bảo, không phải cứ rượu ngoại mua từ các cửa hàng miễn thuế hay hàng xách tay cũng là hàng thật. Thực tế, có nhiều nhãn hàng rượu bị làm giả, làm nhái các thương hiệu từ bên kia biên giới, rồi bằng nhiều cách được tuồn vào thị trường nước ta và được rao bán giống như các loại rượu ngoại thương hiệu khác. Càng gần Tết Nguyên đán, lượng rượu ngoại giả càng tăng cao và khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Thế Đảo (48 tuổi, chủ cửa hàng buôn bán rượu ngoại M.T.) cho hay: "Cửa hàng chúng tôi rất nhiều lần được cá nhân đến hỏi bán rượu ngoại. Đa phần họ đều nói đó là quà biếu, gia đình không dùng nên đến bán lại. Khi đó chúng tôi thu mua, nhưng vẫn không thể xác nhận được đó là rượu ngoại thật hay giả cho đến khi mở ra uống mới biết. Với công nghệ làm giả như bây giờ, rất khó để xác định được đâu là rượu thật, đâu là rượu giả bằng mắt thường. Chiêu thức làm giả và mánh khóe kinh doanh cũng được những kẻ làm ăn không chân chính thực hiện rất chuyên nghiệp, nên thật - giả khó đoán".
Theo ông Đỗ Hồng Hải, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, trong năm 2014, chỉ riêng tại TP.HCM đã bắt giữ hơn 28.000 chai rượu giả các loại. Hiện không có sản phẩm, nhãn hiệu rượu quốc tế nào được phép sản xuất ở Việt Nam. Vì vậy, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào sản xuất các sản phẩm rượu mạnh mang nhãn hiệu quốc tế, đều là hành vi sản xuất hàng giả.
Họa kép vì rượu ngoại giả
Do lợi nhuận thu lại từ việc bán các loại rượu có mác ngoại rất lớn nên các đối tượng, đường dây chuyên kinh doanh mặt hàng này đã dùng mọi thủ đoạn nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Khảo sát thực tế của PV tại chợ Hàng Da (Hà Nội), nơi được biết đến là trung tâm buôn bán mặt hàng rượu ngoại, đã cho thấy, khách hàng khó phân biệt được đâu là rượu ngoại "xịn", đâu là hàng nhái, mức giá những dòng rượu ngoại khá đắt đỏ. Chị Hoàng Yến, chủ một quầy rượu tại đây cho biết: "Nếu hỏi mức giá cụ thể của những chai rượu ngoại thì rất khó đưa ra một mức giá sàn, bởi chênh lệch là vài triệu đồng, tùy từng điểm bán. Ví dụ chai rượu hiệu H., 21 năm, tôi chào giá là 2,1 triệu đồng; quầy khác lại bán với giá 2,5 triệu đồng".
Tại một siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội, PV ghi nhận chai rượu ngoại mác T... có giá 3.650.000 đồng so với giá ngoài thị trường chênh lệch hơn 1 triệu đồng/chai. Giải thích việc này, một nhân viên bán hàng tại siêu thị trên cho biết: "Rượu trong siêu thị là chính hãng vì có tem, hộp đầy đủ?!". Nhưng một chủ cửa hàng trên đường Láng (Hà Nội) lại nói: "Đến siêu thị đó mua rượu thường không có hóa đơn chứng từ, nếu muốn có thì phải chịu thuế riêng. Riêng hộp đựng rượu, phải mua ngoài với giá 100.000 đồng/hộp".
Với mức giá cao như vậy, nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng có thể sở hữu được chai rượu ngoại "xịn", bởi trong cuộc hội thảo về chính sách phòng, chống lạm dụng rượu, bia và các thỏa thuận hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới đây, nhiều chuyên gia đưa ra con số giật mình khi xác thực rượu ngoại trên thị trường bị làm giả tới hơn 90%. Tạm hoãn bình luận về con số này, chúng tôi đưa ra lời cảnh báo từ tiến sỹ Nguyễn Thị Dụ, nguyên Giám đốc trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai: "Ngày càng nhiều người ngộ độc do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng. Mỗi năm, trong dịp Tết, số người bị ngộ độc rượu phải vào viện cấp cứu chiếm gần 50% tổng số bệnh nhân ngộ độc rượu của cả năm".
Theo TS Nguyễn Thị Dụ, rượu tàn phá cơ thể, trước hết là tàn phá hệ tiêu hóa, đặc biệt là gan. Theo thời gian, các tế bào gan sẽ bị phá hủy, tiêu diệt, thay thế bằng tế bào xơ và một ngày nào đó là xơ gan cổ trướng. Dạ dày bị rượu "tra tấn" nhiều dẫn đến viêm loét và bị các bệnh tiêu hóa mãn tính. Rượu còn gây hại cho hệ thần kinh, ngành y gọi là bệnh não do rượu với các biểu hiện nhớ nhớ quên quên, hoang tưởng, ảo giác, tư duy không bình thường.
Tiến sỹ Phạm Duệ, người trực tiếp chỉ đạo cấp cứu nhiều ca ngộ độc rượu ngoại tại trung tâm Chống độc, bệnh viện Bach Mai giải thích: Thực tế say rượu chính là ngộ độc rượu và tùy mức độ khác nhau ngộ độc rượu có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí tử vong. Giới chuyên môn cảnh báo, say rượu không đơn giản như nhiều người nghĩ, uống say, mệt chỉ 1-2 ngày là hết, sức khỏe sẽ trở lại bình thường. Nhiều trường hợp ngộ độc rượu đã dẫn tới những hậu quả đáng tiếc như suy gan, suy thận và có thể tử vong. Thậm chí có những bệnh nhân nồng độ cồn công nghiệp trong máu tại thời điểm nhập viện không cao nhưng sau đó lại nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê, suy đa tạng. Nguyên nhân do methanol đã chuyển hóa thành a-xít, xâm nhập vào gan thận. Với những trường hợp này, nguy cơ tử vong rất cao, còn nếu được cứu sống, cũng để lại nhiều di chứng như mù, suy thận.
Theo ông Nguyễn Duy Phương, Trưởng phòng tổng hợp (Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM), từ đầu năm 2015 đến nay, Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra 21 vụ buôn bán, vận chuyển; 629 chai rượu ngoại nhập lậu các loại, 03 vụ kinh doanh 2.302 chai rượu ngoại nhập không có nhãn phụ tiếng Việt. Gần đây nhất, đêm 2/2/2015, trên QL18A thuộc phường Đại Yên, TP.Hạ Long, lực lượng tuần tra CSGT PC67, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tạm giữ chiếc xe tải BKS 29D- 02885 do lái xe Nguyễn Đức Khiên, trú tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương điều khiển, chở nhiều thùng rượu ngoại như: 150 chai rượu ngoại hiệu Johnnie walker Red Label, Johnnie walker Black Laber, gold Laber và một số rượu khác mà lái xe không xuất trình được giấy tờ hợp pháp.
Theo báo Đời sống và Pháp luật