Lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nạn nhân mất tích sau vụ sập mỏ ngọc. Ảnh: CNN
Hãng thông tấn Myanmar đưa tin vụ sạt lở mỏ ngọc xảy ra sau khi một hồ nước tại thành phố Hpakant bị sập vào sáng ngày 23/4. Có 3 người được xác nhận đã thiệt mạng, 51 người được cho là đã bị mắc kẹt trong "hố bùn" sau vụ lở đất.
"Việc tìm kiếm các thi thể đang rất khó khăn. Khoảng 60 tình nguyện viên trong hiệp hội Từ thiện của chúng tôi đang tham gia tìm kiếm", U Khin Maung, chủ tịch một tổ chức từ thiện địa phương nói với truyền thông nhà nước.
Ngọc bích được cho là một trong những mặt hàng xuất khẩu có lợi nhuận cao nhất của Myanmar và trị giá hàng tỷ đô la. Ngành khai thác ngọc được thúc đẩy bởi nhu cầu từ nước láng giềng Trung Quốc.
Global Witness, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên điều tra tham nhũng và phá hủy môi trường, ước tính ngành công nghiệp ngọc bích trị giá khoảng 31 tỷ USD trong năm 2014, gần bằng một nửa GDP chính thức của nước này năm đó. Con số chính xác chưa được biết đến vì ngành này không được kiểm soát chặt chẽ nhưng Viện Quản lý Tài nguyên đã xếp ngành đá quý của Myanmar vào top những ngành không minh bạch nhất thế giới.
Từ lâu, ngành công nghiệp này đã dính các cáo buộc tham nhũng và sai phạm. Lợi nhuận mà nó mang lại thường chảy vào túi các nhóm vũ trang và giới tinh hoa chính trị mà không bị đánh thuế, giúp thúc đẩy cuộc xung đột kéo dài ở phía bắc Myanmar.
Theo các nhà quan sát quốc tế, một số mỏ ngọc do các nhóm vũ trang chống chính quyền trung ương và các ông trùm ma túy địa phương vận hành. Năm 2017, Ngân hàng Thế giới ước tính 60-80% đá quý của Myanmar được xuất khẩu mà không bị đánh thuế.
Trong một báo cáo năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc ngành khai thác đá quý ở bang Kachin đã sử dụng lực lượng lao động cưỡng bức.