Trong bối cảnh 2 miền Triều Tiên sắp tổ chức cuộc hội đàm chính thức đầu tiên trong hơn hai năm vào ngày 9/1 tới, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm nay, 7/1 lên tiếng kêu gọi thắt chặt hợp tác liên Triều.
Việc Triều Tiên tham gia Olympic PyeongChang, nếu trở thành hiện thực, sẽ được xem là một cử chỉ ôn hòa giúp giảm căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á. |
Trong một bài viết, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) nêu rõ: “Toàn bộ tiến trình của mối quan hệ 2 miền trước đây đã cho thấy rằng các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ song phương sẽ chỉ đạt kết quả khi 2 bên cùng nỗ lực dựa trên cơ sở hợp tác giữa người dân 2 miền. Thiện chí tăng cường quan hệ liên Triều cần được ủng hộ không chỉ bằng lời nói mà phải bằng các hành động thực tế, nhằm thúc đẩy tinh thần hòa giải và đoàn kết liên Triều, cũng như tái thống nhất.”
KCNA cũng cáo buộc hành động ngăn chặn sự đối thoại của 2 miền bán đảo Triều Tiên bằng “những cái cớ không hợp lý, cũng như các công cụ pháp lý và thể chế” thực chất chỉ là một sự “lừa dối” nhằm đánh lạc hướng công chúng trong và ngoài nước.
Tuyên bố của KCNA dường như đề cập đến những lời chỉ trích ngày càng gia tăng từ giới bảo thủ Hàn Quốc, cho rằng sự hỗ trợ tài chính mà Hàn Quốc dành cho các vận động viên Triều Tiên tham gia thể vận hội có thể sẽ vi phạm các nghị quyết trừng phạt quốc tế.
Cuộc hội đàm sắp tới làm dấy lên hi vọng về sự “tan băng” trong mối quan hệ liên Triều, vốn đang căng thẳng bởi sự khiêu khích không ngừng của Triều Tiên thông qua việc thử tên lửa và hạt nhân.
Tuy nhiên, giới bảo thủ Hàn Quốc bày tỏ sự lo ngại, rằng Triều Tiên có thể tận dụng thế vận hội Olympic để ngăn chặn sự gia tăng các lệnh trừng phạt toàn cầu, gieo bất đồng ở nội bộ Hàn Quốc và ly gián quan hệ Mỹ - Hàn.
Cũng trong hôm nay, Bình Nhưỡng và Seoul dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận qua đường dây nóng về phái đoàn tham gia cuộc hội đàm cấp cao ngày 9/1 tại làng Bàn Môn Điếm.
Theo Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon, nội dung chính trong cuộc đàm phán sắp tới sẽ là sự tham gia của Triều Tiên tại Thế vận hội Mùa đông Olympic PyeongChang.
Cuộc đàm phán sắp tới đang làm dấy lên hy vọng về một sự cải thiện trong quan hệ liên Triều sau các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo liên tiếp của Triều Tiên trong năm 2017, tuy nhiên phe bảo thủ ở Hàn Quốc cảnh báo rằng Triều Tiên có thể lợi dụng sự kiện thể thao này để giải tỏa sức ép của các biện pháp trừng phạt và gây chia rẽ giữa Hàn Quốc và Mỹ.
Đức Hòa (tổng hợp)