Thay vì sử dụng logic của “có” và “không”, chip lượng tử tương tác với nhau, chuyển đổi trạng thái giữa “1”, “0” và trạng thái chồng – superposition, tồn tại ở cả hai giá trị 0 và 1 cùng một lúc, một trạng thái dựa trên cơ chế hoạt động của cơ học lượng tử.
Ngày hôm qua (23/10), các nhà khoa học của Google đã tuyên bố hoàn thành một nhiệm vụ được cho là bất khả thi, khi tạo ra một cỗ máy tính có thể giải quyết vấn đề toán học mà đến siêu máy tính mạnh nhất thế giới cũng phải bó tay.
Google cho biết họ sẽ cố gắng để xây dựng một "máy tính lượng tử có khả năng chịu lỗi" (fault-tolerant: có thể hoạt động khi lỗi xảy ra) nhanh nhất có thể. Công ty này cho rằng họ có thể áp dụng nó vào việc thiết kế pin trọng lượng nhẹ cho xe hơi và máy bay, cũng như trong việc phát triển các loại thuốc mới.
Theo CNN, tốc độ xử lý của chiếc máy tính này đại diện cho một bước nhảy vọt được gọi là "lượng tử tối thượng". Máy tính lượng tử Sycamore của Google có thể giải quyết vấn đề toán học hóc búa trong vỏn vẹn 200 giây, bài toán khó đến mức siêu máy tính Summit của IBM phải mất 10.000 năm mới giải được.
Tuyên bố của Google đã bị một số chuyên gia và các công ty đối thủ chỉ trích sau khi thông tin này bị rò rỉ trước ngày công bố kết quả chính thức. IBM cho rằng Google đã đánh giá quá cao độ khó của bài toán lần này. IBM cho rằng thay vì 10.000 năm, siêu máy tính truyền thống có thể giải quyết vấn đề này chỉ trong 2,5 ngày.