Mới đây, một nhóm sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường ĐH Văn Lang đã nghiên cứu và làm ra túi giấy, phân bón hữu cơ tận dụng từ thân cây chuối. Sáng tạo này nhằm hướng tới mục tiêu nhân văn, mong muốn hỗ trợ bà con tận dụng cây chuối sau khi thu hoạch.
Túi từ lá chuối có khả năng tự phân hủy giúp bảo vệ môi trường. Ảnh: internet
Xuất phát từ những giá trị của cây chuối có thể khai thác không chỉ quả, lá mà còn có thể tận dụng cả phần thân, nhóm sinh viên Trường ĐH Văn Lang đã tạo ra những chiếc túi sinh học và phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường. Để tạo ra những chiếc túi giá thành rẻ, lại có khả năng tự phân hủy, nhóm 4 em sinh viên đã phải nghiên cứu suốt 1 năm mới có thể cho ra mắt sản phẩm hoàn chỉnh.
Nếu một túi nilon có thể phải mất đến hàng trăm năm để phân hủy trong môi trường tự nhiên, gây nên hiện tượng ô nhiễm nặng nề. Thì lá cây chỉ mất từ 4 tuần - 2 tháng để tự phân hủy và biến thành chất hữu cơ có ích cho cây trồng.
Một chiếc túi cần qua các công đoạn như: chọn chuối, tách bẹ, đập giập, phơi khô, cắt nhỏ, ngâm qua dung dịch NaOH, nấu sôi, xay nhuyễn, vô khuôn, gia công túi. Sau khi thành phẩm, một chiếc túi có giá từ 6.000 - 21.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ, phần phân bón từ cây chuối sẽ được bán với giá 2.500 đồng/kg.
Ảnh: internet
Toàn bộ công đoạn nghiên cứu đều được nhóm làm bằng tay. Nếu được đưa ra thị trường, nhóm sẽ cải tiến kĩ thuật, đồng thời chuẩn bị cho ra mắt giấy gói thực phẩm làm bằng lá chuối. Lá chuối có độ dẻo nên dễ gói; đảm bảo hương vị,… Đặc biệt, thực phẩm nóng được bọc bằng lá chuối sẽ không bị ảnh hưởng mùi và độc hại như túi nilon.