Ngày 28/1 (mùng 4 Tết Canh Tý), Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho biết sau 6 ngày nghỉ Tết Canh Tý 2020, cả nước đã xảy ra 174 vụ Tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 122 người, bị thương 150 người.
Ảnh minh hoạ.
So sánh với cùng kỳ (từ 29 đến mùng 4 âm lịch) của Tết Nguyên đán 2019, TNGT giảm 14 vụ ( giảm 7,4%), giảm 32 người bị thương ( giảm 27,11%) nhưng tăng 9 người chết (tăng 7,96%).
Riêng ngày 28/1, cả nước xảy ra 36 vụ TNGT đường bộ, làm chết 20 người, bị thương 42 người. So với cùng kỳ tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 giảm 1 về số vụ ( giảm 2,7%), giảm 3 người chết (giảm 13,04%%), tăng 3 người bị thương (tăng 6,67%). Đường sắt, đường thủy không xảy ra TNGT.
Trong ngày 28/1, cảnh sát gia thông các địa phương đã xử lý 2.160 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, phạt tiền 1 tỉ 695 triệu đồng; tạm giữ 25 ôtô, 318 xe máy; tước 301 giấy phép lái xe các loại. Cảnh sát giao thông đường thủy đã xử lý 220 trường hợp vi phạm, phạt tiền 230 triệu đồng.
Trong đó, có 52 địa phương báo cáo kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn với 867 trường hợp.
Riêng các đội cảnh sát giao thông của Cục Cảnh sát giao thông trên các đường cao tốc đã kiểm tra nồng độ cồn 117 lượt phương tiện, không phát hiện vi phạm; thông qua hệ thống camera giám sát lập biên bản xử lý 2 xe con chạy quá tốc độ trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, phạt 1,8 triệu đồng.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, tai nạn thương tích nói chung và TNGT nói riêng liên quan tới nồng độ cồn đã giảm sâu so với các năm trước. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy số ca cấp cứu do TNGT đã giảm 18,2% so với kỳ Tết Kỷ Hợi 2019, riêng ngày mùng 4 tết giảm 23,5%.
Điều này cho thấy các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã đồng loạt triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng người đã sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông và thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 03/CTT-TTg của Thủ tướng về tăng cường thực hiện Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Được nhân dân đồng tình, dư luận đánh giá cao.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT có nạn nhân tử vong và bị thương nặng chủ yếu là liên quan tới vi phạm quy định nồng độ cồn, tốc độ khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô xe máy, xe đạp điện tại một số địa phương, đặc biệt tại các vùng nông thôn.