Tin mới

Số phận của những người đàn bà cưới vợ cho chồng

Thứ năm, 11/06/2015, 16:12 (GMT+7)

Chia sẻ tình cảm của người mình yêu với người khác vốn đã là điều không dễ dàng gì và nó còn khó khăn hơn khi buộc phải san sẻ chồng mình cho người khác. Thế nhưng, vẫn có những người phụ nữ, sẵn sàng hy sinh, gạt bỏ mọi ghen tuông thường tình, tự tay cưới vợ cho chồng để vẹn tròn đạo nghĩa. Đó là những câu chuyện được dệt nên như cổ tích giữa đời thường. Tuy nhiên, trong số họ,có người hạnh phúc bởi sự chân thành, có người lại rơi vào số phận éo le, đau khổ.

Chia sẻ tình cảm của người mình yêu với người khác vốn đã là điều không dễ dàng gì và nó còn khó khăn hơn khi buộc phải san sẻ chồng mình cho người khác. Thế nhưng, vẫn có những người phụ nữ, sẵn sàng hy sinh, gạt bỏ mọi ghen tuông thường tình, tự tay cưới vợ cho chồng để vẹn tròn đạo nghĩa. Đó là những câu chuyện được dệt nên như cổ tích giữa đời thường. Tuy nhiên, trong số họ,có người hạnh phúc bởi sự chân thành, có người lại rơi vào số phận éo le, đau khổ.

Phận đời éo le của người phụ nữ không sinh được con

Người phụ nữ bất hạnh ấy là bà Nguyễn Thị Hòa (60 tuổi, ở xóm Đông, thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Khi chúng tôi đến đầu thôn Phú Nhơn, hỏi thăm nhà bà Hòa thì ai cũng biết, bởi cuộc đời của bà là một câu chuyện đầy bi kịch.

Khi nhắc đến câu chuyện của đời mình, khóe mắt nhăn nheo của bà Hòa rớm lệ."Tôi vẫn phải cùng cha và anh làm lụng để lo cho mẹ, các em có cái ăn, cái mặc. Nhiều lần vì làm việc quá sức nên tôi bị ngất xỉu ngoài ruộng, nhờ có bà con phát hiện cõng về nhà xoa bóp, cho ăn uống chứ không tôi đã chết rồi”, bà Hòa nói.Sau những tháng ngày lăn lộn, làm thuê cuốc mướn trên các vạt rừng ở vùng đất Tây Nguyên, năm 19 tuổi bà Hòa lấy chồng. Người đàn ông mà bà chọn là ông Phạm Ngọc Liêm (SN 1954).

Chồng bà cũng có hoàn cảnh éo le không khác gì bà. Ông Liêm có một tuổi thơ cơ cực khi mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Những tháng ngày hạnh phúc của đôi vợ chồng nghèo khó này cũng chẳng kéo dài được lâu bởi bà không thể sinh cho chồng một mụn con.

Sau 10 năm chung sống, không sinh được con, với mong muốn trong ngôi nhà có tiếng cười của trẻ nhỏ, vợ chồng bà đã xin một bé gái sơ sinh về nuôi. Được 3 năm sau thì bé gái tội nghiệp ấy bắt đầu có những biểu hiện của một căn bệnh kỳ lạ. Mãi sau này bà mới biết là con mình mắc các chứng bệnh do bị nhiễm chất độc da cam.

Bà Hòa cùng cô con gái bị chất độc da cam

Buồn nản với cuộc sống gia đình, chồng bà đã tằng tịu với một người phụ nữ khác. Biết lòng chồng không còn chung thủy với mình, nghĩ rằng mình đã không thể sinh nở, không làm tròn trách nhiệm người vợ nên bà Hòa đành chấp nhận nhìn cảnh chồng qua lại với người phụ nữ khác mà không hề oán trách.Khi nghe tin người tình của chồng mang thai, bà lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong rồi chuẩn bị một lễ cưới vợ cho chồng.

Bà Hòa kể: “Biết cô ấy mang thai cần được quan tâm nên tôi sắp xếp cho chồng và cô ấy ở nhà trên, còn tôi và con gái bệnh tật ở nhà nhỏ phía dưới. Một năm sau, người vợ mới của chồng sinh con trai, từ đó ông ấy kiếm chuyện gây gổ hắt hủi, coi mẹ con tôi như cục nợ, như cái gai trong mắt”.

Thương cảnh sống lang thang, không nơi trú thân của mẹ con bà Hòa, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, cấp cho mẹ con bà một khoanh đất nhỏ, dựng tạm lên ngôi nhà để tránh nắng, tránh mưa. Mẹ con bà lại tiếp tục những chuỗi ngày rong ruổi kiếm sống bằng làm thuê, cuốc mướn. Lúc đi hái cà phê ở Tây Nguyên, khi thì đi làm cỏ dưa, cỏ mía ở Gia Lai, rồi qua Phú Yên… cứ có người mướn việc là bà đi làm, bất kể đó là việc gì, miễn có tiền.

“Nhiều đêm cứ khóc một mình chẳng biết tỏ cùng ai. Than thân, trách phận chẳng được gì, tôi chỉ khóc cho khuây khỏa mà thôi. Tuy con bị bệnh nhưng nó là nguồn vui, là sự sống của tôi. Tôi không có con, còn nó bị gia đình vứt bỏ, may mắn gặp nhau cũng là duyên phận. Đã nuôi con rồi, khôn thì được cậy nhờ, mà không khôn thì cũng không thể rời xa nó được.

Một đứa nhỏ bị ruồng bỏ hai lần thì tội nghiệp lắm”, bà Hòa chia sẻ. (Nguồn:Gia đình và xã hội)

Thế gian được vợ, hỏng chồng

Một người đàn bà đầu hai thứ tóc, mắt đỏ ngấn lệ, thơ thẩn bên ngoài phòng xử tại TAND TP.Hà Nội. Hỏi thăm, tôi mới hay, ngày 3/6, sau hơn 40 năm chung sống, bà và chồng dẫn nhau ra tòa ly hôn. Cay đắng hơn, lý do hôn nhân tan vỡ lại do bà cưới vợ hai cho chồng, để mong có con trai nối dõi tông đường.

Kể lại tấn bi kịch của gia đình mình, bà Vũ Thị L. (ở Sóc Sơn, Hà Nội) rưng rưng, giọng nghẹn ngào: “Tôi và ông Nguyễn Văn Q. “góp gạo thổi cơm chung” từ năm 1979 và đã có với nhau một mặt con gái. Người dân quê tôi vẫn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Tôi lâm bệnh nặng, sức khoẻ bị tàn phá nặng nề. Đã vậy, như tiếng sét đánh ngang tai khi tôi được cán bộ y tế cho biết, khó có thể mang thai tiếp.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, tôi không thể sinh thêm những đứa con cho chồng, huống chi là sinh con trai”.Biết được việc này, lúc đầu ông Q. cũng cố kìm nén sự buồn rầu và thất vọng vào trong để chăm sóc vợ con nhưng rồi sự quan tâm, chăm sóc mà chồng dành cho vợ con thưa dần, khiến người vợ cảm thấy chạnh lòng, nhưng không dám hé nửa lời kêu ca.

Biểu hiện rõ nhất cho sự thất vọng của ông Q. là con gái dần khôn lớn, cũng là lúc ông thay tâm đổi tính, ít quan tâm đến vợ con, hay đi sớm về khuya và thường xuyên về nhà trong tình trạng say xỉn. Cũng từ đó, bà L. phải hứng chịu những lời chửi bới thậm tệ cùng những trận đòn roi của chồng. Nhưng vì cho rằng, tất cả mọi nguyên nhân đều do mình không thể sinh cho chồng một mụn con trai để nối dõi nên bà L. đã cam chịu, sống lầm lũi như một cái xác không hồn.
Niềm vui của bà L. lúc này chính là cô con gái nhỏ xinh xắn, ngoan ngoãn. Bà L. hết lòng yêu thương, chăm sóc con, vừa cáng đáng, lo toan  mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình. Với sự tinh tế và nhạy cảm của người phụ nữ, bà L. biết, ông Q. luôn thèm khát con trai. Điều mà bấy lâu nay bà lo lắng, sợ hãi nhất cuối cùng cũng xảy ra. Bà L. nhớ như in, vào cuối năm 1997, hình ảnh của một người thứ ba chính thức xuất hiện trong căn nhà nhỏ của vợ chồng bà, sau bao nhiêu ngày nghe thiên hạ nói xa nói gần về việc ông Q. “qua lại” với một người phụ nữ khác. Nói đến đây, nước mắt bà cứ thế rơi trên khuôn mặt gầy guộc.
“Có người đàn bà nào muốn san sẻ chồng cho người phụ nữ khác đâu”, bà cất giọng chua chát, thế nhưng, bà L. buộc phải cưới vợ cho chồng. Chứng kiến cảnh người phụ nữ khác được chồng yêu thương, còn mẹ con bà L. thì bị lạnh lùng, thế nhưng, vì thấy có lỗi với chồng vì không thể sinh được con trai nên bà dần nguôi ngoai và bớt đau khổ hơn. Cuộc sống “một ông hai bà” lặng lẽ trôi đi trong nhiều năm.

Cuối cùng, người vợ thứ hai cũng giúp bà L. hoàn thành tâm nguyện với nhà chồng, sinh cho chồng ba người con, đủ cả nếp lẫn tẻ.Bà L. chia sẻ: “Ông Q. luôn kiếm cớ, đổ cho tôi Ngoại tình để ghẻ lạnh và hắt hủi hai mẹ con. Chẳng muốn đấu khẩu, vì không muốn không khí gia đình nặng nề, tôi cùng con gái về nhà ngoại ở một thời gian với ý định để chồng bình tĩnh, có thời gian suy ngẫm nên giáp Tết năm vừa qua, tôi nghĩ, dù sao con gái vẫn có bố, nên muốn về sum vầy.

Hơn nữa, tôi không muốn làm gánh nặng cho cha mẹ thêm nữa nên quyết dắt con về ngôi nhà thực sự của mình. Nào ngờ, hai mẹ con tôi chưa kịp bước chân vào cổng thì đã bị chồng cùng những đứa con riêng chặn đánh. Họ còn giăng dây không cho tôi vào”.Bà L. tiếp tục tâm sự những cảm xúc rất thật và đau đớn rằng, nghĩ lại quãng thời gian đó, bà thấy quá tủi nhục.

Đã nhiều lần, bà ngậm bồ hòn làm ngọt để cho êm cửa, ấm nhà. Hết lòng vì chồng mà chỉ nhận lại tệ bạc, bà ân hận thì đã quá muộn. Sợi dây chồng giăng ra không còn là vô hình mà nó trở thành ranh giới quá rõ ràng chia cách tình nghĩa vợ chồng. Vì lẽ đó, bà quyết định ly hôn để được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

(Nguồn:Đời sống và Pháp Luật)

Tự tay cưới vợ cho chồng

Lòng xót thương đối với người chồng bệnh tật, sự khổ đau của người mẹ sinh ra những đứa con tật nguyền… đã khiến bà Trương Thị Bích (thôn Thông Đạt, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội) quyết định “cưới” vợ lẽ cho chồng để trọn vẹn đạo nghĩa và mong được thấy một tương lai tươi sáng hơn.

 Năm 1969, bà kết hôn cùng ông Nguyễn Văn Thư - bộ đội lái xe đường dây 559 - nhân một lần ông về quê nghỉ phép. Hòa bình lập lại, ông Thư giải ngũ trở về quê mang theo thương tích của chiến tranh. Những đứa con lần lượt ra đời, nhưng đau đớn thay, tất cả những người con của bà đều bị dị tật bẩm sinh. Nỗi đau càng thêm nỗi đau khi bà Bích thường bị mẹ chồng đay nghiến, chì chiết.

Hàng xóm láng giềng nhiều người không thông cảm mà còn bàn tán, dị nghị, lời ra tiếng vào khiến bà Bích rơi vào khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Mặc dù vậy, bà vẫn cố cắn răng chịu đựng vì thương chồng, thương con, vì hy vọng ở một tương lai khác.Mãi về sau này, khi ông Thư đi khám sức khỏe, các bác sĩ mới cho biết, ông bị nhiễm chất độc màu da cam.

Bà Bích (trái) và bà Duệ

 

Điều này khiến bà Bích vừa trút được cảm giác tội lỗi nhưng cũng khiến bà thêm đau đớn vì bà biết, niềm hi vọng về tương lai trở nên đen tối hơn.Không cam chịu số phận, bà Bích đã có một quyết định táo bạo - tìm “vợ lẽ” cho chồng. Và cũng từ đó, một câu chuyện mới bắt đầu và làm thay đổi cuộc đời bà.Khi bà Bích đặt vấn đề “cưới” vợ lẽ, ông Thư đã phản đối quyết liệt. Bởi trong thâm tâm, ông luôn dành tình thương cho người vợ của mình. Và hơn nữa, ông không muốn ai phải chịu khổ vì mình. Nhưng cuối cùng, nhờ sự thuyết phục của bà Bích, sự động viên của anh em họ hàng, ông Thư cũng đồng ý trong im lặng.Được lời như cởi tấm lòng, bà Bích bắt đầu tìm người.

Đa số những người bà tìm đến đều dè dặt trước lời đề nghị của bà, phần vì họ e ngại trước hoàn cảnh gia đình, phần vì họ lo sợ cho con cháu mình về sau. Phải đến khi gặp được bà Dương Thị Duệ, bà Bích mới tìm thấy sự đồng cảm nơi người phụ nữ này.Bà Duệ là con gái đầu trong một gia đình có 7 người con. Khi gặp bà Bích, bà Duệ đang làm kĩ thuật ở kho hợp tác.

Cảm thương số phận của bà Bích và ông Thư, nhưng cũng phải mất nhiều lần thuyết phục, đi lại giữa hai bên gia đình, bà Duệ mới gật đầu ưng thuận. Đám cưới được tổ chức rất đơn sơ nhưng nồng ấm tình người. Từ đó, bà Duệ cùng bà Bích chung tay lo lắng công việc gia đình. Nhờ trời, bà Duệ sinh được ba người con, hai gái một trai. May mắn thay, những người con của bà Duệ đều khỏe mạnh bình thường, không bị di chứng chất độc màu da cam. Niềm vui của bà Duệ cũng là niềm an ủi lớn lao của bà Bích khi những người con lấy vợ, lấy chồng, sinh những đứa cháu khỏe mạnh...

Tình cảm gắn bó giữa bà Bích và bà Duệ khiến người dân ở cái xóm nhỏ thôn Thông Đạt ai cũng phải khâm phục.

Nuốt hờn ghen cưới vợ cho chồng

Cũng đã từng 7 lần sinh con nhưng chưa một lần được làm mẹ, bởi những đứa con của bà đứa nào cũng bị sinh thiếu tháng. Chưa kịp cất tiếng khóc chào đời chúng đã bỏ bà mà đi.

Thương thân mình lận đận thì ít, xót xa cho chồng trước nỗi khao khát được làm cha thì nhiều, gạt bỏ mọi ghen tuông thường tình, người phụ nữ ấy đã đi tìm vợ cho chồng. Người đàn bà bao dung và nhân từ ấy là Nguyễn Thị Hồng, 59 tuổi, trú tại thôn Trung Hưng, xã Mai Trung, Hiệp Hòa (Bắc Giang).Ai cũng bảo "ớt nào mà ớt chả cay", vậy mà hơn 30 năm qua, bà chung sống hòa thuận, đầm ấm dưới một mái nhà cùng chồng và người vợ lẽ của chồng.

Bà thương con chồng như con đẻ, thương người phụ nữ đến sau như em gái của mình…Cũng bởi tình yêu dành cho chồng quá lớn, không muốn chồng vì mình mà phải chịu cả đời bất hạnh nên bà đã làm được cái việc ít ai làm được.17 tuổi bà Hồng lấy chồng. Chồng bà - ông Nguyễn Văn Thục là người cùng thôn.

Tình cảm gắn bó thuận hòa giữ ông Thục bà Minh và bà Hồng khiến nhiều người phải khâm phục. Ảnh: Cstc.cand.com.vn

Cưới nhau chưa được bao lâu, bà Hồng mang thai đứa con đầu lòng. Nhưng cái thai mới chỉ khoảng 7 tháng, bà đã trở dạ rồi sinh non. Chưa kịp cất tiếng khóc chào đời thì nó đã vĩnh viễn ra đi vì quá yếu.Cứ như quen dạ, cứ mang thai được đến tháng thứ 7 là bà lại đẻ non. Liên tiếp trong vòng gần chục năm trời, năm nào hàng xóm láng giềng cũng thấy bà mang bụng bầu nhưng vẫn chưa một lần được làm mẹ. Thiên hạ bắt đầu bàn ra tán vào, nói vợ chồng bà bị quả báo từ kiếp trước. Ông Thục lại là con một trong gia đình, khỏi phải nói sức ép dồn lên vợ chồng bà nặng nề đến thế nào.Rồi bà nghĩ mình không thể đắc tội với chồng, với gia đình chồng thêm nữa.

Đó cũng là lúc bà đi đến quyết định táo bạo và khổ tâm là sẽ phải cưới vợ cho chồng mình.Người được hỏi cưới là bà Nguyễn Thị Minh, là người cùng xã. Ban đầu, chồng bà phản đối kịch liệt, nhưng với sự kiên trì khuyên lơn, ông Thục cũng bằng lòng. Thế rồi, ba người con của ông Thục bà Minh lần lượt ra đời trong sự yêu thương chăm sóc của cả hai người mẹ.Giờ thì ba người con của họ đã trưởng thành và yên bề gia thất. Hạnh phúc lớn nhất của bà Hồng bây giờ là nhìn những đứa con trưởng thành và những đứa cháu lớn lên từng ngày trong ngôi nhà chung - ngôi nhà của những con người đặc biệt gắn liền với tình yêu thương chân thành mà cao cả. (Nguồn: Tintuc.vn)

Minh Di (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news