Được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh sắc tuyệt vời, du lịch Việt Nam hơn, kém gì so với Lào, Campuchia?
Chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 17/11, đại biểu Phạm Thị Hải nhận xét, du lịch Việt Nam “không so với Thái Lan mà chỉ so sánh với Lào, Campuchia.”
Dưới đây là số liệu thống kê theo năm của 3 nước để có những so sánh cơ bản nhất về sự phát triển của ngành du lịch ở mỗi nước.
Lào
|
Với dân số chỉ 7 triệu người nhưng du lịch là ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất ở Lào. Lượng khách du lịch đến Lào đã tăng mạnh trong nhiều năm gần đây.
Cố đô Luang Prabang. Ảnh: Touropia. |
Nhìn chung, số lượng khách đến Lào tăng liên tục, trung bình 18% từ năm 1994-2014.
Năm 2014, lượt khách du lịch đến Làođạt 4,1 triệu lượt người và tạo ra tổng Doanh thu 641 triệu USD Mỹ.
Vang Vieng |
Trong 3 năm trước đó, lượt khách du lịch đến Lào đều tăng. Theo báo cáo của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào vào tháng 2/2014:
Năm 2013 tăng 13,49% so với năm 2012 (3,7 triệu - 3,3 triệu lượt người).
Năm 2012, lượng khách du lịch đến Lào chạm 3,1 triệu người, tăng 14% so với năm trước đó. Tức là cứ mỗi hai người dân Lào có một khách du lịch. Đây là tỉ lệ rất cao trong các nước có du lịch phát triển.
Cánh đồng chum (tiếng Lào là Thồng Hảy Hín, tiếng Anh là Plains of Jars) ở Xiêng Khoảng. |
Theo số liệu của Oudet, khách sạn và nhà nghỉ của 5 tỉnh trung tâm của nước này, là những bên hưởng lợi nhiều từ sự phát triển du lịch, đã tăng từ 8.800 phòng trong năm 2005 đến hơn 21.000 phòng trong năm 2011.
Khu tháp thờ và chùa Pha That Luang. |
Ngoài ra, với thị trường chính cho du lịch ở Lào là châu Á và Thái Bình Dương, khách du lịch đến từ Việt Nam đứng thứ 2/10 nước có du khách quốc tế đến Lào, với hơn 900.000 lượt người vào năm 2013.
Campuchia
Phnom Penh |
Mặc dù lượt khách du lịch đến Campuchia chỉ tăng 7% trong năm 2014, từ năm 2013-2012 tỉ lệ khách du lịch tăng 17,5%, trong đó khách doanh nhân tăng 47%.
Angkor. Ảnh: Touropia. |
Trong năm 2014, Campuchia (dân số chưa đến 15 triệu) đón 4,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng từ 4,2 triệu lượt trong năm 2013.
Chỉ riêng trong tháng 12/2014, lượng khách đến Campuchia tăng 15,9% - thu hút 500.579 lượt, tăng so với 431,807 lượt trong tháng 12/2013, theo số liệu quốc gia và Bộ Thông tin du lịch.
Siem Reap. |
Ngành du lịch nước này tạo ra hơn 500.000 công việc trực tiếp, chiếm 16% trong số GDP 16,7 tỷ USD của nước này vào năm 2013, đóng góp 3 tỷ USD vào kinh tế Capuchia trong năm 2014, dự kiến tăng đến 5 tỷ USD vào năm 2020.
Dự kiến, du lịch Campuchia sẽ đạt 5 triệu lượt người đến vào năm 2015 và 7,5 triệu vào năm 2020.
Campuchia cho thấy tỉ lệ phát triển nhà nghỉ, khách sạn lớn nhất, từ 7.500 lượt khách năm 2011, tăng 107% lên 15.500 lượt vào năm sau.
Hồ Banlung |
Bãi biển Sihanoukville |
Trong số các nước có khách du lịch đến Campuchia, Việt Nam đứng đầu trong các năm 2013, 2014, tăng 41,5% trong riêng tháng 12/2014 so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 1-tháng12/2014 tăng 6,1%, từ hơn 900,000 so với 854,000 lượt khách.
Việt Nam
Hà Nội |
Du lịch Việt Nam là một ngành kinh tế mũi nhọn. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh dẫn Báo cáo của Chính phủ cho biết từ 2010 du lịch tăng trưởng 1,6 lần.
Theo Tổng cục du lịch Việt Nam, năm 2014 ngành du lịch Việt Nam thu hút gần 8 triệu lượt khách quốc tế, 32-35 triệu khách nội địa, con số dự kiến năm 2020 là 11-12 triệu khách quốc tế; 45-48 triệu khách nội địa. Doanh thu từ du lịch dự kiến sẽ đạt 18-19 tỷ USD năm 2020.
Vịnh Hạ Long |
Năm 2013, số khách quốc tế đến Việt Nam là 7,57 triệu lượt, khách nội địa đạt 35 triệu lượt. Doanh thu ngành du lịch Việt Nam năm 2013 đạt khoảng 200.000 tỷ đồng.
Năm 2012, số khách quốc tế đến Việt Nam là 6,8 triệu lượt, khách nội địa đạt 32,5 triệu lượt. Doanh thu ngành du lịch Việt Nam năm 2009 đạt từ 68.000 đến 70.000 tỷ đồng, 160.000 tỷ đồng năm 2012. Du lịch đóng góp 5% vào GDP của Việt Nam.
Việt Nam (dân số 91 triệu) đặt mục tiêu có 16,7 triệu du khách vào năm 2015, tăng từ 6,84 triệu du khách vào năm 2012.
Hội An |
Mặc dù không có nhiều đột phá, Việt Nam tăng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh ngành Lữ hành và Du lịch (TTCI) trong các năm gần đây, từ vị trí 89/140 nước vào năm 2009 lên vị trí 80 vào năm 2011 và 2013.
Trong báo cáo năm 2015 xếp hạng dựa trên 4 yếu tố: Môi trường, Chính sách, cơ sở hạ tầng, các nguồn tự nhiên và văn hóa cho ngành Du lịch, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 75/141 quốc gia trong bảng xếp hạng TTCI của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tăng 5 bậc so với năm 2013.
Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh và đứng vị trí thứ 11 trong toàn bảng xếp hạng.
Sapa |
Tất cả đều được đánh giá trên thang điểm từ 1 đến 7. Trong đó, về môi trường du lịch (an ninh, y tế, vệ sinh…), Việt Nam được 4,6 điểm. Về chính sách được 3,7 điểm. Về cơ sở hạ tầng được 2,9 điểm. Về các nguồn tự nhiên và văn hóa được 3,2 điểm. Cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam bị đánh giá thấp nhấp trong 4 tiêu chí.
Trong 10 quốc gia có số du khách đến Việt Nam nhiều nhất, du khách từ Campuchia xếp thứ 5 với 400 ngàn lượt người từ Campuchia vào năm 2014, và 342 ngàn lượt người trong năm 2013. Không có du khách Lào trong bảng xếp hạng này.
Du lịch Việt Nam “chỉ so sánh với Lào, Campuchia”?
Báo Thanh Niên ngày 29/6 đăng bài “Du lịch Lào, Campuchia qua mặt Việt Nam” của tác giả Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch L.V Tours), cho rằng Du lịch Lào và Campuchia hơn hẳn VN nhiều thứ và họ đã qua mặt như chuyện ngụ ngôn rùa và thỏ. Bởi vì “Năm 2014, Lào (dân số 7 triệu) đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, Campuchia (dân số chưa đến 15 triệu) đón 4,5 triệu lượt khách. Trong khi đó, VN (dân số 91 triệu) đón 7,9 triệu lượt khách. Xét về hiệu quả thì VN thua xa. Khách Việt qua Campuchia gần triệu lượt, vào Lào hơn nửa triệu nhưng khách Campuchia và Lào vào VN chỉ hơn phân nửa số lượt khách Việt vào xứ họ.”
Trong một bài viết khác của tác giả Trần Trung Dân, lãnh đạo của một doanh nghiệp du lịch nhà nước, thì không thể so sách hiệu quả du lịch bằng cách dựa trên tổng số khách vào mỗi nước trên số dân, rồi phán du lịch Lào và Campuchia hơn Việt Nam. Vì "ngay cả Trung Quốc xếp thứ 3 thế giới về du lịch, đón gần 56 triệu lượt khách (tỉ lệ là 23 người dân đón 1 khách), cũng còn kém xa Việt Nam (tỉ lệ là 12 người dân đón 1 khách).”
Ông Nguyễn Hữu Bắc, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Trung tâm Lữ hành Quốc tế TST Travel trong bài viết “Du lịch Việt Nam thua Lào, Campuchia" : Một nửa sự thật” cũng không đồng tình với việc lựa chọn một vài tiêu chí để cho rằng du lịch Việt Nam đang bị tụt hậu so với Lào, Campuchia dù ông thừa nhận có nhiều điểm đang khiến du lịch Việt xấu đi trong con mắt khách quốc tế.
Đó là, tuy thua kém về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng, nhưng du lịch Việt Nam vẫn hơn Lào, Campuchia về nhiều yếu tố khác như: cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, sự mến khách, tận tình..
Linh Mai (Tham khảo từ Wikipedia, 2014 Statistical Report on Tourism in Laos trên website của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào (Tourismlaos.org), số liệu từ Bộ Du lịch Campuchia…)