Theo đó, hội đồng chuyên môn (HĐCM) đã nghiên cứu hồ sơ, thu thập dữ liệu, thảo luận và đưa ra kết luận rằng bệnh viện hoạt động và thực hiện các kỹ thuật chuyên môn theo đúng chức năng đã được phê duyệt, thực hiện các kỹ thuật tuân thủ các quy định, danh mục chuyên môn kỹ thuật được cấp phép.
Các bác sĩ tham gia các ca bệnh đều có chứng chỉ hành nghề và phạm vi chuyên môn phù hợp. Trong 2 bác sĩ gây mê có 1 người là bác sĩ không cơ hữu nhưng có hợp đồng với bệnh viện.
Kết luận của Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, cả 3 ca bệnh đều là sự cố y khoa nghiêm trọng liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine với chẩn đoán xác định ngộ độc thuốc gây tê và tử vong nghĩ nhiều đến sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê.
Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng cần rút kinh nghiệm sâu sắc về các ca bệnh đã xảy ra sự cố y khoa này. Ảnh: BV Phụ nữ Đà Nẵng
Tính đến thời điểm xảy ra sự cố tại Bệnh viện Phụ nữ, ngành y tế Đà Nẵng chưa nhận được văn bản nào liên quan đến lô thuốc gây tê đã sử dụng cho các bệnh nhân bị sự cố từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), các cơ quan quản lý chuyên môn có liên quan và nhà cung ứng thuốc.
Ngoài ra, kết quả kiểm nghiệm thuốc ngày 9/12/2019 của Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương về mẫu thuốc Bupivacaine (49Gt 115 và 49Gt 116) cho kết quả đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi sản phụ nguy kịch đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng vào ngày 21/11.
Sở Y tế Đà Nẵng cũng cho rằng, việc xác định có sai sót chuyên môn của Bệnh viện Phụ nữ hay không, Hội đồng chuyên môn kết luận về quy trình tổ chức đón tiếp, theo dõi, chăm sóc bệnh nhân là thực hiện đúng quy định; các chẩn đoán bệnh chính và bệnh kèm, biến chứng là phù hợp.
Tuy nhiên, sự cố y khoa đầu tiên khiến sản phụ Lê Huỳnh Phương Tr. (trú Đà Nẵng) tử vong, Bệnh viện Phụ nữ đã không báo cáo ngay việc phản ứng thuốc, bệnh án không thể hiện rõ diễn biến lâm sàng cũng như y lệnh cụ thể trong quá trình cấp cứu người bệnh.
Qua sự cố lần này, Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng cần rút kinh nghiệm sâu sắc về các ca bệnh đã xảy ra sự cố y khoa này. Bệnh viện cần tập trung chú trọng khâu tiên lượng bệnh và triển khai báo cáo ngay các sự cố y khoa theo đúng quy định của Bộ Y tế và báo cáo phản ứng theo quy định.
Như tin đã đưa, ngày 17/11 tại Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng đã xảy ra 2 sự cố, khiến một sản phụ tử vong và một sản phụ nguy kịch sau khi dùng thuốc gây tê để mổ lấy thai. Cả 2 sản phụ đều có biểu hiện khó chịu vùng mông, bứt rứt khó chịu, đau, chuyển mê nội khí quản sau khi gây tê tủy sống.
Tuy nhiên, kết quả sản phụ Võ Thị Nhất S. đã tử vong, còn sản phụ Nguyễn Thị H. lâm vào tình trạng nguy kịch. Do được cấp cứu kịp thời, sản phụ Nguyễn Thị H. được điều trị bình phục và đã được xuất viện.
Cách đó hơn 1 tháng, một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra đối với sản phụ Lê Huỳnh Phương Tr (SN 1987, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) khi sản phụ này sinh mổ tại Bệnh viện Phụ nữ và đã tử vong với các triệu chứng tương tự.
Sau 3 sự cố trên, Bộ yêu cầu Sở Y tế Đà Nẵng chỉ đạo bệnh viện Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, nhân lực hỗ trợ chăm sóc, điều trị tốt nhất cho sản phụ H.
Ngoài ra, Bệnh viện Phụ nữ lập hội đồng chuyên môn theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi chăm sóc và xử trí đối với trường hợp sản phụ S. và sản phụ H.; thông báo kết luận của hội đồng chuyên môn tới gia đình các sản phụ và cơ quan truyền thông đại chúng.
Đặc biệt, phải xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân nếu có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp theo quy định hiện hành. Trường hợp có nghi ngờ liên quan đến thuốc sử dụng trong quá trình điều trị cho các sản phụ, cần chỉ đạo đơn vị lập báo cáo phản ứng có hại của thuốc theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế, khẩn trương gửi về Trung tâm DI&ADR quốc gia.