Các triệu chứng thực tế của bệnh tiểu đường không phải lúc nào cũng rõ ràng nên nó được mệnh danh là "sát nhân thầm lặng". Những triệu chứng của bệnh gồm mệt mỏi và đi tiểu nhiều hơn bình thường.
Giờ đây, các chuyên gia Trung Quốc đã phát hiện ánh sáng nhân tạo ngoài trời vào ban đêm (LAN) có liên quan đến việc kiểm soát lượng đường bị suy giảm và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường phải theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu vì tuyến tụy không thể sản xuất ra bất kỳ loại insulin nào (type 1), không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể không thể sử dụng insulin đúng cách (type 2). Điều này thường dẫn đến mức glucose quá cao hoặc quá thấp.
Viết trên Diabetologia, các chuyên gia cho biết hơn 9 triệu trường hợp mắc tiểu đường ở người lớn tại Trung Quốc là do tiếp xúc với LAN. Các bác sĩ đã xem xét dữ liệu từ Nghiên cứu giám sát bệnh không lây nhiễm ở Trung Quốc. Sau đó, họ phân tích 98.658 người trưởng thành, có tính đến các yếu tố rủi ro khác như chỉ số khối cơ thể (BMI) và tiền sử gia đình.
Họ đánh dấu các khu vực theo các hạng mục khác nhau về mức độ tiếp xúc với ánh sáng ở mỗi khu vực. Cường độ ánh sáng trung bình ở nơi cao nhất lớn gấp 69 lần so với nơi thấp nhất.
Các chuyên gia cho biết những trường hợp mắc bệnh tiểu đường ở khu vực LAN cao đã tăng 28% so với các trường hợp ở khu vực có LAN thấp hơn. Trung bình, cứ 42 người sống ở khu vực có LAN cao thì có thêm một trường hợp mắc tiểu đường. Họ nói rằng điều này có thể không xảy ra nếu họ không ở trong khu vực có LAN cao.
Những nhà nghiên cứu cho biết quy mô của vấn đề này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Họ ước tính có khoảng 83% dân số thế giới và hơn 99% dân số ở Mỹ và châu Âu đang sống dưới bầu trời ô nhiễm nhẹ.
Các tác giả kết luận "cần có thêm các nghiên cứu liên quan đến phép đo trực tiếp mức độ phơi nhiễm của từng cá nhân đối với LAN để xác nhận xem mối quan hệ của nó với bệnh tiểu đường có phải nguyên nhân hay không".
Nhân xét về nghiên cứu này, Tiến sĩ Gareth Nye, Giảng viên cao cấp tại Đại học Chester cho biết nghiên cứu này không đủ để phân biệt liệu nó liên quan đến bệnh tiểu đường type 1 (dựa trên di truyền của người bệnh) hay type 2 (liên quan đến lối sống).
Ông nói rằng giấc ngủ lành mạnh là cực kỳ quan trọng trong việc ngăn ngừa sự phát triển của bệnh tiểu đường. "Các nghiên cứu ngụ ý rằng những kiểu ngủ không nhất quán có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên thử và liên kết các mức ánh sáng nhân tạo bên ngoài. Một vấn đề với nghiên cứu này là những khu vực có ánh sáng nhân tạo ngoài trời cao nhất có thể là những khu vực đô thị và thành phố lớn hơn".
Ông nói rằng: "Từ lâu, người ta biết rằng sống ở khu vực đô thị hóa làm tăng nguy cơ béo phì do tăng khả năng tiếp cận với thực phẩm tiện lợi và nhiều chất béo, mức độ hoạt động thể chất ít hơn do liên kết giao thông và ít hoạt động xã hội hơn".
Một nghiên cứu do các chuyên gia tại Trường Y khoa Northwestern Medicine Feinberg ở Chicago, Mỹ đã phát hiện ra rằng dù chỉ có một chút ánh sáng khi ngủ cũng liên quan đến bệnh tiểu đường.
Các bệnh nhân được theo dõi bằng thiết bị đeo ở cổ tay và kết quả cho thấy những người tiếp xúc với ánh sáng mờ thậm chí có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn 72%, nguy cơ béo phì tăng 82% và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng 100%.
Họ cho rằng nồng độ melatonin thấp hơn có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Melatonin có thể bị giảm khi tiếp xúc với ánh sáng, ảnh hưởng đến chức năng trao đổi chất của cơ thể.
Một nghiên cứu khác, được thực hiện vào năm 2015, cho thấy việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng nhân tạo cũng có liên quan đến sự phát triển của bệnh tiểu đường. Các chuyên gia tại Viện Khoa học Thần kinh Hà Lan cho biết, ánh sáng nhân tạo làm tăng phản ứng insulin - cho thấy loại ánh sáng này gây ra tình trạng không dung nạp glucose.
(Theo The Sun)