Là tiếp viên hàng không đồng nghĩa với việc bạn phải học cách đối phó với các hành khách say xỉn, những bãi nôn hoặc toilet bốc mùi bằng một nụ cười thân thiện.
Làm vừa lòng hành khách trên một chuyến tàu hoặc xe buýt có thể là một công việc rất khó khăn. Nhưng khi ở trên không, sự khó khăn ấy còn nhân lên gấp bội phần.
Tiếng gào, khóc của trẻ em và thái độ khó ưa của một số vị khách kéo dài hàng giờ đồng hồ trong không gian chật chội của máy bay góp phần tạo ra môi trường làm việc căng thẳng nhất trong ngành công nghiệp dịch vụ.
"Cơ hội có một chuyến bay êm đẹp hay ác mộng là 50/50. Căng thẳng có thể tăng lên rất cao và khiến bạn mắc kẹt. Bạn đang ở trên máy bay với bầu trời rộng lớn xung quanh. Bạn không thể rồi khỏi máy bay, hút một điếu thuốc hay bước ra sân sau của nhà hàng để tĩnh tâm. Bạn chỉ có một phút để tự thả lỏng bản thân trước khi quay trở lại công việc, đối mặt với những vị khách khó tính, chẳng hề thân thiện và sẵn sàng nổi giận", Rick, một tiếp viên của hãng hàng không Qantas, nói trong cuộc phỏng vấn với Yahoo News.
Trong sự nghiệp tiếp viên hàng không suốt 10 năm, Rick phải dùng mọi thứ - từ sữa ấm tới xô nước đá - để khiến những đứa trẻ ngừng la hét hoặc ngăn các cặp đôi kéo nhau vào toilet và làm tình trong đó.
“Đó là những kỹ năng chẳng giống ai. Tôi luôn nói với bạn bè rằng, tôi có thể xử lý bất cứ ai và bất cứ thứ gì ngay lập tức, với cùng một nụ cười”, anh nói.
Một nữ tiếp viên hàng không Pháp trong bộ đồng phục được đánh giá là đẹp nhất thế giới. Ảnh: Departful |
Tuy nhiên, không phải tiếp viên nào cũng có khả năng bình tĩnh và nở nụ cười mọi lúc mọi nơi như Rick. Rất nhiều người trong số họ không thể tỏ ra vui vẻ khi phải đối mặt với những cơn ác mộng mang tên “hành khách thô bỉ” và “toilet bốc mùi”.
Nhiều khách đối xử với tiếp viên như người hầu
Vô số hành khách đưa cố tình đưa ra yêu sách từ khi vừa bước lên máy bay. Họ muốn đổi chỗ hoặc đối xử với tiếp viên như người khuân vác.
“Nếu thấy một cô gái trẻ hoặc người già gặp khó khăn trong việc đưa hành lý lên khoang để đồ trên cao, tất nhiên tôi sẽ giúp. Nhưng rất nhiều lần, các vị khách thô lỗ chỉ dồn hành lý của họ sang tay tôi trước khi ngồi xuống và ra lệnh “cất nó cho tôi”. Tôi luôn cố gắng lịch sự hết sức mà nói rằng chúng tôi khuyến khích họ tự làm việc đó. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn làm theo lệnh của họ”, Karen, một nữ tiếp viên 31 tuổi, kể.
Cô cũng nói thêm rằng, nhiều hành khách thậm chí còn lăn vội hành lý của họ xuống chân các thành viên của phi hành đoàn vì sợ mất chỗ.
Karen cũng từng gặp những hành khách liên tục đề nghị đổi chỗ bởi vô vàn lý do. Có thể họ không thích người ngồi cạnh, cảm thấy chỗ ngồi không thoải mái, hoặc muốn có thêm một chỗ trống ở bên cạnh để họ có thể nằm.
“Nếu người yêu cầu là một đứa trẻ hoặc đang thực sự cảm thấy khó chịu, và chuyến bay vẫn còn chỗ trống thì chúng tôi luôn sẵn sàng làm theo đề nghị của họ”, Karen nói.
Nhưng đôi lúc tiếp viên không thể chiều ý họ, bởi máy bay không còn ghế trống, hay họ có những đòi hỏi vô lý.
"Một số hành khách chỉ đưa ra đề nghị, nhưng nhiều người cố ý hét lớn đến mức nước bọt của họ chạm vào mặt chúng tôi. Thậm chí họ còn đòi kiến nghị lên cấp cao hơn”, Karen nói thêm.
Khi đối mặt với tình huống đó, Karen chỉ còn cách để tiếp viên trưởng giải quyết và trở lại với công việc của cô.
Sự khiếm nhã vẫn xuất hiện liên tục trong chuyến bay, đặc biệt từ những hành khách nam. Nhiều người cố ý chạm vào đồng phục của tiếp viên khi họ di chuyển giữa các hàng ghế. Một số người còn tỏ ra không tôn trọng các nữ tiếp viên.
“Họ cố ý chạm vào váy của tôi trong lúc tôi đang phục vụ đồ uống và thức ăn nhẹ. Đôi khi họ kéo mạnh tới mức váy của một tiếp viên suýt rơi. Cô ấy quá xấu hổ, chẳng biết làm gì ngoài việc khóc ở cuối máy bay, còn họ cười lớn”, Jenny, một nữ tiếp viên của hãng Korean Air, nói.
Nhiều hãng hàng không đã tổ chức các lớp dạy võ để giúp các nữ tiếp viên biết cách tự vệ trong trường hợp phải đối mặt với những vị khách khiếm nhã. Ảnh: China News |
Jenny cho biết, nhiều hành khách còn nóng ruột tới mức đòi đồ ăn khi chưa đến lượt. Một số người lại đối xử với đồng phục của cô như khăn ăn, bằng cách lau tay vào váy của cô.
Giờ ăn cũng là một thử thách đối với các thành viên của phi hành đoàn. Họ cảm thấy quá tải bởi hàng loạt yêu cầu về các loại thực phẩm và đồ uống khác nhau, trong khi vẫn phải dọn dẹp đống lộn xộn do các hành khách vụng về hoặc trẻ em gây ra.
"Vấn đề phổ biến nhất mà chúng tôi phải đối phó trong giờ ăn là những vị khách không báo trước với phi hành đoàn rằng họ muốn một bữa ăn chay, rồi nổi giận khi chúng tôi không thể đáp ứng yêu cầu của họ”, Shikin, tiếp viên của hãng Emirates, nói.
“Chúng tôi chỉ đóng góp một lượng món chay giới hạn. Thậm chí nhiều người trong số các hành khách yêu cầu món chay không thực sự ăn chay”, cô nói thêm.
Với những trường hợp ấy, một thành viên phi hành đoàn sẽ phải hy sinh chính suất ăn của họ và nhịn đói trong suốt phần còn lại của hành trình.
"Rất nhiều lần chúng tôi phải nhịn ăn để hành khách có thêm một phần bổ sung, nhưng chúng tôi chẳng nhận lời cảm ơn nào", Shikin nói.
Hành khách say xỉn, nôn mửa
Tất cả tiếp viên hàng không đều nhất trí khi nói về những hành khách say xỉn: cơn ác mộng. Họ thường là nam giới, ở độ tuổi trung niên và không bay cùng ai. Đây là những vị khách khó giải quyết nhất và thường khuấy động cả máy bay bởi những trò hề của họ.
"Tôi có thể tạm chấp nhận những hành khách say xỉn và thèm ngủ. Bọn họ sẽ chỉ nôn mửa và rơi vào giấc ngủ sâu. Nhưng những người không chịu ngủ mà chỉ muốn làm phiền các hành khách khác và phi hành đoàn", Frank, tiếp viên hãng SQ, nói.
Các cô gái phải học cách cúi chào và mỉm cười mọi lúc mọi nơi. Ảnh: Asiana Airlines |
Các tiếp viên hàng không luôn được đào tạo về cách ngăn hành khách say rượu ngay từ đầu. Khi nhận ra ai đó đang uống rượu, các tiếp viên sẽ chỉ phục vụ độ uống có nồng độ cồn nhẹ hơn hoặc cố gắng đề nghị họ chọn đồ uống thay thế. Tuy nhiên, biện pháp này không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả với những vị khách muốn uống càng nhiều càng tốt.
"Họ nổi cơn tam bành và hỏi tại sao tiếp viên phục vụ đồ uống ít cồn. Rồi họ yêu cầu chúng tôi thêm thật nhiều rượu. Tỏ ra lịch sự, thân thiện nhưng vẫn cứng rắn trước những vị khách kiểu đó là việc rất khó", Frank nói thêm.
Tác động của men rượu khiến tình hình xấu hơn rất nhanh. Nhiều vị khách say xỉn quậy phá và sử dụng ngôn từ khiếm nhã để quấy rối phi hành đoàn. Thậm chí họ còn nôn mửa và làm phiền các hành khách khác, tạo ra khung cảnh hỗn loạn trên máy bay.
Frank cho biết, trong tình huống xấu nhất, khi hành khách bắt đầu thực hiện các hành động bạo lực, phi hành đoàn sẽ đưa họ xuống phần đuôi máy bay, cố gắng cô lập và khiến họ tỉnh táo hơn. Nếu không thể kiểm soát vị khách thô lỗ, họ buộc phải sử dụng còng tay bằng nhựa để gắn vị khách với một tiếp viên nam, người sẽ ở bên họ suốt phần còn lại của chuyến hành trình, tới khi máy bay chạm đất.
"Tôi từng phải ở bên một vị khách say xỉn. Anh ta nôn lên cơ thể của anh ta và tôi rồi lên những ghế xung quanh. Đó là chuyến bay tệ nhất. Tôi cũng thấy buồn nôn và còn phải chịu đựng anh ta thêm hai giờ trước khi chuyến bay kết thúc", Frank kể.
Toilet bẩn
Một cơn ác mộng khác khiến cũng các tiếp viên khổ sở không kém những vị khách bất lịch sự và say xỉn là toilet bẩn, đặc biệt trong những chuyến bay đường dài.
"Chúng có thể tệ hơn toilet công cộng", Karen nói. Trong suốt sự nghiệp làm tiếp viên hàng không, cô từng phải chứng kiến những phòng toilet chứa cả chất thải trên sàn hoặc giữa bồn cầu, tã giấy trên nắp thùng rác hay bồn rửa tay tắc nghẽn vì thực phẩm mà hành khách vứt.
"Mặc dù đã cố gắng hết sức, chúng tôi thường phải đóng cửa nhà vệ sinh, bởi nó đã rơi vào tình trạng quá bẩn và mất vệ sinh", cô cho biết.
Karen mỉm cười khi một người nói rằng tiếp viên hàng không là một công việc hào nhoáng, sang trọng với mức lương ngất ngưởng.
"Hào nhoáng ở đâu? Tôi chẳng thấy chút hào nhoáng gì khi bạn phải dọn dẹp toilet", Rick kết thúc câu chuyện bằng một cái phẩy tay.