Đăng trên Tạp chí Weekly World News (Mỹ) cách đây 29 năm, câu chuyện hư cấu về chuyến bay Santiago Flight 513 mất tích ở Đại Tây Dương khá thu hút dư luận Mỹ bấy giờ.
Lịch sử hàng không thế giới từng chứng kiến rất nhiều thảm kịch mất tích bí ẩn. Trải qua hàng chục thập kỷ, những vụ biến mất không dấu vết này trở thành câu hỏi lớn, khiến nhiều người day dứt mãi không nguôi.
Từ cái chết khó hiểu của nữ phi công lừng danh nước Mỹ Amelia Earhart vào ngày 2/7/1937 khiến hải quân Mỹ triển khai cuộc tìm kiếm trên Thái Bình Dương tốn kém chưa từng có trong lịch sử... đến vụ biến mất kỳ lạ của 5 ném ngư lôi Grumman TBF Avenger thuộc Phi đội 19 của Mỹ trên vùng biển ngày 5/12/1945... Tất cả đều trở thành những bí ẩn hàng không lớn nhất trong thế kỷ 20. Cách đây vài năm là vụ máy bay MH370 của Malaysia.
Giữa những bí ẩn hàng không khiến dư luận và giới khoa học ở thế kỷ trước day dứt, có rất nhiều câu chuyện được lan truyền ở Mỹ liên quan đến các vụ máy bay biến mất không dấu vết giữa đại dương. Mặc dù không có bất cứ bằng chứng xác thực nào, tuy nhiên, dư luận Mỹ thời đó vẫn bị thu hút bởi những câu chuyện này.
Chuyến bay số hiệu Santiago Flight 513 biến mất bí ẩn năm 1954 rồi đột nhiên "trở về" năm 1989, do tác giả Irwin Fisher viết, đăng trên Tạp chí Weekly World News (Mỹ), là một trong số câu chuyện như thế.
Ngày 14/11/1989, Weekly World News đăng một bài báo thu hút dư luận tựa đề "1950s Airliner Lands With 92 Skeletons On Board" (tạm dịch: Chuyến bay từ thập niên 1950 trở vể từ cõi chết, còn nguyên 92 bộ xương trên khoang).
Câu chuyện hư cấu này có thể tóm tắt sơ lược như sau:
"Sáng sớm ngày 4/9/1954...
Dòng máy bay dân dụng Lockheed Super Constellation do Mỹ sản xuất lên đường thực hiện chuyến bay mang số hiệu Santiago Flight 513 như thường lệ. Trên chuyến bay có tổng cộng 92 người, trong đó có 88 hành khách và phi hành đoàn 4 người.
Chuyến bay Santiago Flight 513 khởi hành từ thành phố Aachen (Đức), theo lịch trình sẽ đến Chile (Nam Mỹ). Tuy nhiên, Santiago Flight 513 không bao giờ có thể hạ cánh xuống Chile bởi, vì một nguyên nhân bí ẩn nào đó, trạm kiểm soát không lưu dưới mặt đất đã mất liên lạc hoàn toàn với phi hành đoàn của Santiago Flight 513 khi băng qua Đại Tây Dương.
Một cuộc tìm kiếm quy mô lớn đã được triển khai ngay sau đó nhằm cứu vớt những nạn nhân (nếu) may mắn sống sót. Nhưng, thứ mà người ta thấy sau những tháng ngày tìm kiếm không ngừng chỉ là biển nước xanh sâu thẳm.
Không một tín hiệu. Không một mảnh vỡ. Không một manh mối về vật dụng của hành khách. Chiếc máy bay Lockheed Super Constellation cùng 92 con người biến mất hoàn toàn giữa đại dương.
Tuy nhiên, ngày 12/10/1989... người ta tìm thấy xác một máy bay khổng lồ ở thành phố cảng Porto Alegre của Brazil (Nam Mỹ). Sau khi tiếp cận xác máy bay, người ta xác định nó là chiếc máy bay thuộc hãng hàng không Santiago Airlines (Chile) và đã từng mất tích cách đó hơn 3 thập kỷ.
Bài báo thu hút dư luận Mỹ năm 1989 của tác giả Irwin Fisher đăng trên Tạp chí Weekly World News.
Điều kỳ lạ chồng chất khi nhìn từ bên ngoài chiếc máy bay, mọi thứ gần như còn nguyên vẹn. Bên trong máy bay, 92 người từng mất tích cùng chuyến bay Santiago Flight 513 giờ chỉ còn là 92 bộ xương trắng ngồi ngay ngắn trên ghế của mình. Thậm chí, cơ trưởng Miguel Victor Cury vẫn còn trong tư thế điều khiển máy bay bình thường.
Mọi thứ nguyên vẹn đến hoàn hảo, tựa như 35 năm trôi qua, không một đồ vật hay phần nào của máy bay bị hỏng hóc.
Sau khi phát hiện xác máy bay, rất nhiều cuộc điều tra, tranh luận nổ ra. Một nhà điều tra là Tiến sĩ Celso Atello còn nói rằng, vụ việc là minh chứng rõ ràng cho trường hợp về "đường hầm xuyên không-thời gian". Ông này nói rằng, "không còn lời giải thích nào hợp lý hơn việc máy bay đã "rơi vào một lỗ sâu (wormhole)."
Chính phủ Brazil được cho là đã vào cuộc điều tra về máy bay kỳ lạ này, tuy nhiên, cuối cùng các quan chức từ chối trả lời mọi thông tin liên quan đến quá trình điều tra."
Cho đến nay, "lỗ sâu" vẫn là một khái niệm gây nhiều tranh luận trong giới khoa học. Theo lý thuyết, lỗ sâu (còn gọi là lỗ giun, hay Cầu Einstein-Rosen) là một đường hầm xuyên không-thời gian. Hiểu đơn giản là một "đường tắt" nối 2 điểm cách nhau hàng nghìn năm ánh sáng. Hình minh họa của lỗ sâu.
Santiago Flight 513 chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng
Trên đây là tóm lược câu chuyện về chuyến bay mất tích năm 1954 rồi "trở về" năm 1989 đăng trên Tạp chí Weekly World News (Mỹ).
Tất nhiên, có rất nhiều hoài nghi xoay quanh vụ việc này bởi nguồn gốc cũng như tính xác thực của nó rất kém. Hơn hết, Tạp chí Weekly World News (Mỹ) là một tờ báo giấy lá cải khá nổi ở Mỹ, chuyên đăng những chuyện lạ lùng, siêu nhiên, huyền bí.
Mặc dù xác định là bài báo của tác giả Irwin Fisher chỉ là chuyện hư cấu, nhưng vì nổi tiếng với những chuyện lạ lùng nên dư luận Mỹ thời đó vẫn đón nhận. Người ta cho rằng vì muốn nhắc đến "lỗ sâu" nên tác giả đã dựng câu chuyện này lên.
Weekly World News hoạt động từ năm 1979 và "đóng cửa" vào năm 2007.