Tin mới

Sự thật về loại hạt nhiều gia đình bày trong khay mứt Tết: vì sao lại là đắt nhất thế giới

Thứ ba, 05/02/2019, 08:33 (GMT+7)

Thứ hạt chúng ta nhắc đến ở đây là hạt macca, với mức giá vượt trội so với hạnh nhân và óc chó. Nhưng tại sao lại đắt thế?

Thứ hạt chúng ta nhắc đến ở đây là hạt macca, với mức giá vượt trội so với hạnh nhân và óc chó. Nhưng tại sao lại đắt thế?

Tết này, nhà bạn bày biện thứ gì? Có lẽ là những loại mứt cổ truyền, kèm theo hạt bí, hạt dưa phải không? Nhưng bên cạnh mứt tết truyền thống, nhiều gia đình cũng chọn bày biện kẹo bánh đặc biệt hơn, như chocolate, kẹo me... hay các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, hạt điều.

Hạt macca là loại hạt đắt nhất thế giới

Và đặc biệt, nhiều nhà còn mua cả hạt macca nữa!

Lý do hạt macca (tiếng Anh là macadamia) được ưu ái nhắc riêng một dòng ở đây, là bởi nó chính là loại hạt đắt nhất thế giới. Ước tính, giá 1kg hạt macca có thể rơi vào khoảng trên dưới 1 triệu đồng, đắt gấp đôi hạnh nhân và óc chó - 2 loại hạt vốn đã có giá không hề rẻ - và liên tục phá kỷ lục về giá qua từng năm.

 

Vẫn biết rằng hạt macca luôn được đánh giá cao về mặt chất lượng và dinh dưỡng, nhưng mức giá lên đến tiền triệu cho một loại hạt thì quả là cần phải cân nhắc. Vấn đề là, tại sao lại đắt thế nhỉ?

Hóa ra là một loài cây rắc rối đến bất ngờ

Lý do chính khiến giá của hạt macca bị đẩy lên cao là do quá trình thu hoạch chậm và rắc rối đến khó tin.

Được biết, cây macadamia có nguồn gốc từ vùng Đông Bắc Australia với cái tên Kindal Kindal, và từ xưa người Úc bản địa đã sử dụng loại hạt này làm thực phẩm rồi. Sau này, thực dân Anh tiến vào Úc và đặt lại tên cho nó là macadamia, dựa theo tên của John Macadam - một bác sĩ vĩ đại người Scotland.

Khi thu hoạch, vỏ và thịt quả macca sẽ bị loại bỏ, chỉ để lại hạt bên trong

Tuy vậy, những cây macadamia được trồng để buôn bán đầu tiên lại không thuộc về nước Úc, mà tại đảo Hawaii của Hoa Kỳ. Hòn đảo này có điều kiện phải nói là hoàn hảo để trồng macadamia: đất màu mỡ, mưa nhiều, và khí hậu ấm áp. Và điều này cũng đồng nghĩa rằng ở những khu vực không có điều kiện như vậy, nếu muốn ăn hạt macca thì đành phải nhập khẩu nó thôi.

Hiện tại, các khu vực xuất khẩu macca nhiều nhất là Hawaii, Nam Mỹ, Úc và Nam Phi. Trên thế giới có 10 loài cây macadamia, nhưng chỉ 2 trong số đó cho ra các loại hạt đắt tiền này. Nhưng điều quan trọng là cả 2 loài phải mất 7 - 10 năm để bắt đầu kết quả và tạo hạt - một quãng thời gian quá lâu. Đồng thời, mỗi cây lại có khoảng thời gian cho hoa khác nhau (thường là từ 4 - 6 tháng), nên quá trình thu hoạch không thể diễn ra cùng lúc.

Trong một năm, người trồng macadamia chỉ thu hoạch được khoảng 5 - 6 lần, và hoàn toàn bằng tay.

Rắc rối không dừng lại ở đó! Quả macca sau khi thu hoạch thường bị lột vỏ và thịt, chỉ để lại hạt trước khi đem bán. Vấn đề là ở chỗ tùy vào độ chín của quả mà nhân hạt sẽ có hương vị khác nhau, mà khi chỉ để lại hạt thì chẳng ai phân biệt được cả. Tất cả khiến cho quá trình thu hoạch macca trở nên thực sự hao tổn công sức, và dĩ nhiên là giá thành cũng bị đẩy lên.

Loại hạt thực sự chất lượng

Dù sao vẫn có thể nói rằng hạt macca thực sự xứng đáng với giá tiền người tiêu dùng phải bỏ ra. Hạt macca có độ ngậy rất cao, với hàm lượng chất béo bên trong lên đến gần 50g/kg, nhiều hơn bất kỳ loại hạt nào khác trên thế giới.

Cũng bởi hàm lượng chất béo cao mà nhiều người cho rằng hạt macca không có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên sự thực là phần lớn chất béo trong hạt macca không có chứa cholesterol - chất có khả năng gây bệnh tim, đồng thời lại mang acid palmitoleic có vai trò cải thiện hệ thống trao đổi chất của cơ thể.

Điểm đặc biệt của hạt macca là dù có hàm lượng chất béo cao, lượng đường bên trong lại rất ít, chỉ chiếm 4%. Tất cả đã biến macca trở thành một loại hạt lý tưởng dành cho những người đang muốn ăn uống lành mạnh, thậm chí phù hợp cả với những chế độ ăn Giảm cân nghiêm ngặt như keto.

Tương lai của loại hạt đắt nhất thế giới

Trong giai đoạn 2017 - 2018, giá thu mua macca tại Hawaii lại đạt kỷ lục. Hiện tại, trang trại trồng macadamia tại đây ước tính trị giá lên tới 53,9 triệu USD.

Trung Quốc - thị trường nhập khẩu macca lớn nhất nhì thế giới đã bắt đầu nhen nhóm ý định tự trồng macadamia cho riêng mình. Theo kế hoạch, quốc gia này sẽ sản xuất ít nhất 1/2 sản lượng macca trên phạm vi toàn thế giới vào năm 2022. Vậy nên bất chấp nhu cầu tiêu thụ đang ngày càng tăng, vượt trội so với nguồn cung, thị trường macca được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh.

OCT (Tham khảo: Business Insider)

Theo Helino/Trí thức trẻ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news