Trong danh mục những loại cây chứa chất độc thì trúc đào được các chuyên gia khuyến cáo không nên trồng nơi công cộng đặc biệt là các trường mầm non vì chúng rất độc và có khả năng gây tử vong.
Theo thông tin từ Khám Phá trích dịch lại từ trang nước ngoài có tên Homelife những cây cảnh quen thuộc như vạn niên thanh, trạng nguyên, đỗ quyên,...là những cây chứa chất độc cần cho trẻ tránh xa. Trong đó rất nhiều cây chứa chất độc gây ra các triệu chứng khó thở, thậm chí là tử vong. Đặc biệt là cây trúc đào, "Trẻ em dễ gặp các triệu chứng nhiễm độc dù chỉ sờ hay cầm một chiếc là trúc đào. Khi tiếp xúc nhiều hơn, chất độc gây ra các vấn đề về đường ruột như nôn mửa, tiêu chảy, đi ngoài ra máu, và chuột rút. Nặng hơn thì tim đập nhanh bất thường, co giật, hôn mê, thậm chí là tử vong. Ở Ấn Độ, có nhiều trường hợp mọi người tìm cách tự sát bằng cách ăn hạt cây trúc đào."
Cây trúc đào có khả năng gây tử vong nằm trong danh mục cây chứa chất độc (ảnh Internet) |
Theo đó, hoa cây anh thảo chứa nhiều chất độc gây nôn mửa, co giật và tê liệt. Cây trúc anh đào có thể gây chết người khi nếm thử lá, cây, thân, hoa.
Cây thụy hương chứa các chất độc như daphnetoxin hay mezerein, trẻ em vô tình ăn phải quả của cây thụy hương sẽ bị ngộ độc, nôn mửa.
Cây trạng nguyên có thể gây kích ứng cho da và mắt giống như các loài cây cùng họ Thầu dầu (Đại kích). Nếu ăn phải lá trạng nguyên có thể bị tiêu chảy hoặc nôn mửa.
Với cây thầu dầu, một người trưởng thành nuốt phải hạt thô có thể sẽ tử vong trong vòng vài phút. Nhẹ hơn thì bị buồn nôn, tiêu chảy, tim đập nhanh, hạ huyết áp và co giật.
Lá đại hoàng, dù sống hay nấu chín, có chứa các chất độc gây khó thở, rát miệng và bỏng cổ họng. Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện trong vòng một giờ sau khi ăn và dẫn đến co giật, chảy máu nội bộ, hôn mê và tử vong.
Đặc biệt là hai loại cây rất phổ biến ở Việt Nam là vạn niên thanh và đỗ quyên cũng được cho là chứa chất độc gây hại. Đối với cây vạn niên thanh, dù nhai phải bất kỳ phần nào của cây đều gây đau dữ dội trong miệng và cổ họng, tiết nước bọt quá mức. Vạn niên thanh không tiết ra chất độc gây chết người nhưng trong trường hợp nặng sẽ khiến cổ họng sưng to gây nghẹt thở.
Còn cây đỗ quyên có chứa chất độc trong cả rễ, thân, lá và hoa gây buồn nôn, ói mửa, chóng mặt, khó thở. Trẻ em nặng 25kg sẽ bị ngộ độc nếu ăn từ 100 - 250g lá đỗ quyên.
Để hiểu thêm về vấn đề này chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Bá Chính - Hội viên Hội sinh vật cảnh Hà Nội đồng thời là một chuyên gia Đông Y được biết trong danh mục trên chỉ duy nhất có cây trúc đào là có khả năng gây tử vong. Cây trúc đào hay còn gọi là trúc anh đào đặc biệt độc, trẻ em khi ăn phải lá có thể gây tử vong. Trong Đông y, lá trúc anh đào hoặc lá đào ta được dùng để tắm trị các bệnh ngoài da như ghẻ lở bằng cách vò nát lá pha với nước ấm. Theo ông Nguyễn Bá Chính, các trường mầm non, khuôn viên công cộng tuyệt đối không nên trồng loại cây này.
Cây đỗ quyên được người chơi cây cảnh yêu thích và không chứa chất độc (ảnh Internet) |
Còn những loại cây khác không có tài liệu nào chứng minh được vạn niên thanh, đỗ quyên, trạng nguyên là độc hại. Vạn niên thanh là loại cây đã được người chơi cây cảnh bao nhiêu đời nay vẫn yêu thích và dùng trong nhà. Mặc dù khuyến cáo không nên tiếp xúc với các bộ phận trên cây đặc biệt là ngắt lá ăn nhưng cũng chưa ghi nhận trường hợp dị ứng, mẩm ngứa khi tiếp xúc.
Dã Quỳ