Theo lý giải cụ thể của một Grab Bike, việc cái lái xe công nghệ che biển số bằng băng dính tối màu, hoặc kẹp bìa che kín, thậm chí lấy khẩu trang để bịt… là nhằm tránh bị thanh tra của dịch vụ Grab xử lý, khóa tài khoản, dẫn đến mất 'miếng cơm manh áo'.
"Sinh viên chạy Grab kiếm thêm, đầu vẫn đội mũ Grab nhưng áo đút balô để tối đi học về chạy. Nếu bị chụp ảnh không mặc đồng phục, lái xe có thể bị phạt tiền, rồi khóa tài khoản, nên mọi người đừng làm quá việc bọn em che biển số như vậy", lái xe Nguyễn Q. bày tỏ.
Lái xe GrabBike trên còn dẫn chứng nhiều trường hợp khác như 'trời mưa, khách bị bắn bẩn lên giày, đánh giá 1*, vài lần là bị khóa tài khoản', và Grab không coi trọng các lái xe, nên việc che biển số, theo người này, là… 'nên thông cảm'.
Tuy nhiên, việc che biển số xe là hành vi vi phạm pháp luật. Những nguy cơ mất an ninh trật tự cũng tiềm ẩn từ hành vi che BKS này, bởi khi xảy ra các vụ trộm cắp, gây Tai nạn giao thông rồi bỏ trốn..., việc không rõ BKS sẽ gây khó khăn trong việc điều tra, truy bắt đối tượng gây án.
Theo điều 16, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về “QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG SẮT”, kể từ ngày 1/8/2016, những người điều khiển xe gắn máy, Xe máy điện sẽ bị phạt từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng nếu xe gắn biển số không đúng quy định; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng.
Điều đáng nói, mức phạt trên khá thấp nên chưa có tính răn đe. Được biết, các hãng dịch vụ vận tải công nghệ sẽ phạt nếu có bằng chứng hình ảnh cho thấy lái xe vi phạm, như vượt đèn đỏ, không mặc đúng trang phục lúc chở khách....