Từ 1/1/2015 lương tối thiểu tại vùng 1 sẽ tăng 400.000 đồng/tháng so với năm 2014. Các vùng khác, mức lương tăng từ 250.000 – 350.000 đồng/tháng.
Ngày 10/11, Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động tại các đơn vị kinh tế.
Theo đó, người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động, từ 1/1/2015 sẽ được hưởng mức lương mới, thay cho mức được quy định tại Nghị định 182/2013.
Cụ thể, lương tối thiểu tại vùng 1 (các quận và một số huyện của Hà Nội, TP HCM, một số quận, huyện thuộc Hải Phòng; Thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; một số huyện, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương) sẽ tăng 400 nghìn đồng so với năm 2014 lên 3,1 triệu đồng/tháng.
Vùng 2 tăng từ 2,4 triệu đồng/tháng lên 2,75 triệu đồng/tháng; vùng 3 tăng từ 2,1 triệu lên 2,4 triệu đồng/tháng; vùng 4 tăng từ 1,9 triệu lên 2,15 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000 -400.000 đồng/tháng.
Chính phủ nhấn mạnh, mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất.
Đồng thời phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề, kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề.
Căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng quy định nêu trên và các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng lao động với người lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế của doanh nghiệp, doanh nghiệp phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động để thỏa thuận, xác định mức điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương, mức lương ghi trong hợp đồng lao động và mức lương trả cho người lao động phù hợp, bảo đảm các quy định của pháp luật lao động và tương quan hợp lý tiền lươnggiữa lao động chưa qua đào tạo với lao động đã qua đào tạo và lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, giữa lao động mới tuyển dụng với lao động có thâm niên làm việc tại doanh nghiệp.
Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
Cũng trong ngày 10/11, Quốc hội thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, trong đó có nội dung dành 11 nghìn tỷ đồng để tăng lương cho các đối tượng hưu trí, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1/1/2015.
Như vậy, cùng với lương dành cho đối tượng hưởng từ Ngân sách Nhà nước, lương tối thiểu theo vùng đối với các đơn vị hoạt động theo Luật Doanh nghiệp cũng được điều chỉnh tăng từ ngày 1/1/2015.
Trước đó, ngày 6/8/2014, Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án Tăng lương tối thiểu khối doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đó, lương tối thiểu tại vùng 1 sẽ tăng 400 nghìn đồng so với 2014 lên 3,1 triệu đồng/tháng, các vùng khác, mức lương tăng từ 300.000 – 350.000 đồng/tháng.
Theo Bảo An/Người đưa tin