Một tàu ngầm Argentina đã mất liên lạc với hải quân suốt 3 ngày qua. Hải quân nước này đã nhận được tín hiệu của 7 cuộc gọi vệ tinh thất bại, nghi là từ chiếc tàu ngầm ARA San Juan chở 44 người mất tích.
Theo CNN đưa tin, tàu ngầm ARA San Juan lần cuối được nhìn thấy vào ngày 15/11 ở vịnh San Jorge, cách bờ biển phía nam Argentina khoảng vài trăm km.
Con tàu khi đó đang trải qua hành trình từ căn cứ ở Tierra del Fuego trở về trụ sở tại một căn cứ khác ở thành phố Mar del Plata thì mất liên lạc hoàn toàn.
Theo kế hoạch, lẽ ra con tàu phải trở về trụ sở vào ngày 19/11. Giới chức Argentina hy vọng, thủy thủ sẽ đưa tàu nổi lên mặt nước. Tuy nhiên, tàu ngầm lại không nổi lên mặt nước.
Hải quân đã dò tìm 80% khu vực tìm kiếm và vẫn chưa nhận được bất cứ tín hiệu nào từ con tàu. Argentina đang đặt giả thuyết tàu ngầm bị mất điện khiến quá trình liên lạc bị gián đoạn.
Sau khoảng hai ngày tìm kiếm chiếc tàu ngầm ARA San Juan, hải quân Argentina đã nhận được các tín hiệu cấp cứu được cho là từ chiếc tàu này vào sáng và chiều 18/11.
Bộ Quốc phòng Argentina cho biết hải quân nước này đã phát hiện 7 "cuộc gọi vệ tinh bất thành", nghi là từ tàu ngầm ARA San Juan đang cố gắng nối lại liên lạc với đất liền thông qua vệ tinh.
Phía Argentina tiếp nhận các tín hiệu trên vào cuối buổi sáng và chiều muộn. Chúng kéo dài từ 4 đến 36 giây. Chính phủ nước này đang phối hợp với một công ty chuyên về liên lạc vệ tinh của Mỹ để xác định vị trí con tàu.
Hải quân Mỹ đã điều trực thăng trinh sát săn ngầm P8-A Poseidon tham gia hỗ trợ tìm kiếm. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng giúp đỡ bằng máy bay P-3 Orion.
ARA San Juan dài 66 mét, là tàu ngầm TR-1700 do Đức sản xuất, chạy bằng động cơ diesel. Đây là một trong ba tàu ngầm thuộc sở hữu của quân đội Argentina.
Tàu ngầm được Argentina mua lại từ năm 1985 và đã trải qua quá trình tân trang để tăng thời gian sử dụng.
Tàu ngầm ARA San Juan, thuộc biên chế hải quân Argentina, hôm 17/11 mất tích trên Đại Tây Dương trong quá trình di chuyển từ căn cứ Ushuaia đến cảng Mar del Plata với 44 thành viên thủy thủ đoàn, trong đó bao gồm cả nữ sĩ quan tàu ngầm đầu tiên của nước này.
Hoàng Nguyễn (tổng hợp)