Nga đang thiết kế tàu ngầm hạt nhân "sát thủ diệt hạm", truyền thông nước này đưa tin.
Xưởng đóng tàu Almiralty |
Theo tin tức trên The Moscow Times và Pravda cùng nhiều tờ báo khác, ông Anatoly Shlemov, người đứng đầu ban mệnh lệnh quốc phòng nhà nước của Tổng công ty Đóng tàu Thống nhất gần đây cho biết Nga sẽ đóng 2 lớp tàu ngầm thế hệ thứ 5. Đây là một phần kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Tổng thống Vladimir Putin.
Lớp tàu ngầm đầu tiên được thiết kế để đánh chặn các tàu ngầm chiến lược trong khi lớp khác sẽ được xây dựng để nhắm tới các tàu nổi lớn, chủ yếu là tàu sân bay.
"Mặc dù các mẫu thiết kế chưa được xác định nhưng một loại sẽ được phân loại để "đánh chặn dưới nước" và loại còn lại là "sát thủ diệt hạm", tờ Moscow Times dẫn lời ông Shlemov.
Ông Shlemov nói thêm trong bài báo: "Mục đích chính của tàu đánh chặn dưới nước là để bảo vệ các nhóm tàu ngầm mang tên lửa (đạn đạo) và chiến đấu với các tàu ngầm đối thủ... Loại tàu thứ hai sẽ là một tàu sân bay mang tên lửa hành trình, được sử dụng để đánh các mục tiêu ven biển và trên bề mặt". Liên quan tới lớp tàu thứ hai, bài báo lưu ý rằng ông Shlemov nói cụ thể một biến thể là "sát thủ diệt hạm".
2 lớp tàu ngầm mới sẽ có thiết kế tương tự nhau, sự khác biệt chính giữa chúng là vũ khí và mục đích sử dụng. Theo The Moscow Times, 2 tàu ngầm mới sẽ được sử dụng để thay thế tàu Oscar II, Sierra và tàu ngầm hạt nhân đa mục đích lớp Victor từ thời Xô Viết.
Trước đó, tờ The National Interest từng đưa tin việc xây dựng các tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 5 đang được Nga tiến hành. Hồi tháng 6, ông Vladimir Dorofeyev, Giám đốc điều hành Cục Thiết kế Kỹ thuật Hàng hải Malakhit của Nga nói với hãng thông tấn TASS rằng "việc sản xuất tầu ngầm thế hệ 5 đang được tiến hành. Kế hoạch sẽ được thực hiện sau khi dự án xây dựng tàu ngầm hạt nhân Yasen hoàn tất".
Đô đốc Viktor Chirkov, chỉ huy trưởng của Hải quân Nga sau đó đã xác nhận điều này tại một cuộc họp báo: "Để tránh việc tạm ngừng và rơi vào bế tắc, chúng tôi đã bắt đầu phát triển tàu ngầm tiếp theo, tức là tàu ngầm thế hệ thứ 5".
Tàu ngầm thế hệ thứ 5 là một phần trong sự hồi sinh của ngành công nghiệp tàu ngầm của Nga. Sau khi rơi vào trạng thái ngưng trệ trong thời gian khá dài sau Chiến tranh Lạnh, Moscow gần đây đã tiết lộ 2 lớp tàu ngầm mới thế hệ thứ 4.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo năng lượng hạt nhân lớp Borei (SSBN) được đưa vào sử dụng lần đầu trong năm 2013, sẽ phục vụ như đôi chân răn đe chiến lược của Nga dưới đáy biển.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen đầu tiên cũng đi vào hoạt động năm 2013 và đã gây ấn tượng với nhiều sĩ quan hải quân Mỹ. Giống như biến thể sát thủ diệt hạm của tàu ngầm thế hệ thứ 5 sắp tới của Nga, tàu lớp Yasen được thiết kế để thu hút các tàu trên bề mặt. Dave Majumdar đã từng đưa tin tàu ngầm lớp Yasen được trang bị:
"24 ống tên lửa có thể mang tên lửa chống tàu siêu âm NPO Mashinostroyeniya P-800 Oniks, bắn được tới các mục tiêu ở cách 200 hải lý. Severodvinsk có thể mang tên lửa hành trình tấn công mặt đất ngoại âm, có khả năng hạt nhân, Novator RK-55 Granat, tầm bắn đạt 1.600 hải lý. Ngoài ra, các tàu lớp Yasen còn có thể bắn tên lửa tấn công mặt đất 3M14 Kalibr và tên lửa chống tàu 3M54 Biryuza. Mặc dù phóng qua ống ngư lôi nhưng tên lửa này có thể đạt tầm bắn khoảng 300 hải lý.
Một số người nghi ngờ về sự hiệu nghiệm của đội tàu ngầm dưới biển vừa mới hình thành của Nga. Ví dụ, nhà phân tích hải quân lâu năm Norman Friedman nói với tờ Defense News rằng ông "hoài nghi" về sự bùng nổ tàu ngầm mà Nga đang lên kế hoạch. "Có một lịch sử tại đất nước này (Nga) đó là những gì được đề ra đều không hoàn thành trong một thời gian dài. Không có câu hỏi về việc họ lên kế hoạch xây dựng tàu ngầm nhưng nếu họ thực sự làm vậy thì những câu hỏi sau đó còn thú vị hơn".
Tuy nhiên, các nhà phân tích khác lại không đồng ý với ý kiến trên. Bryan Clark, một cựu thủy thủ tàu ngầm của Mỹ, người hiện đang làm việc tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược, lại nói: "Người Nga đã bỏ tiền vào tuyên bố có liên quan đến việc xây dựng và phát triển tàu ngầm. Họ coi đó là cách để tạo ra một lợi thế đối xức với lực lượng của Mỹ. Nếu họ có thể phát triển được một lực lượng tàu ngầm chất lượng cao thực sự giống như họ đã từng làm trong Chiến tranh Lạnh thì điều đó có thể tạo ra vấn đề cho các nhà hoạch định hải quân Mỹ và các chiến lược gia phải tư duy xem làm thế nào để đối phó với mối đe dọa tiềm ẩn từ người Nga - điều mà xuất hiện không báo trước".
Bảo Linh (Theo National Interest)