Trong bối cảnh nhu cầu hoạt động của Hải quân Trung Quốc đang gia tăng, tàu ngầm trở thành ưu tiên hàng đầu – nó là phương tiện để đối phó với ưu thế trên biển của Hải quân Mỹ.
Mỹ và các nước xung quanh Thái Bình Dương đã thận trọng theo dõi khi Trung Quốc tăng cường lực lượng tàu ngầm trong hơn 20 năm qua. Bắc Kinh đã xây dựng một lực lượng hiện đại, linh hoạt với tổng số tàu ngầm giờ đây còn vượt cả Mỹ.
Các tàu ngầm Mỹ vẫn ưu việt hơn nhiều so với các tàu ngầm Trung Quốc nhưng trong một cuộc xung đột, số lượng và vị thế địa lý vẫn có thể giúp Trung Quốc hạn chế được những lợi thế của Mỹ cùng các đối tác.
Trong bản báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, hiện đại hóa hải quân là một khía cạnh đang được Bắc Kinh ngày càng chú trọng trong lĩnh vực hàng hải.
Mối đe dọa từ tàu ngầm Trung Quốc
Trong bối cảnh nhu cầu hoạt động của Hải quân Trung Quốc đang gia tăng, tàu ngầm trở thành ưu tiên hàng đầu – nó là phương tiện để đối phó với ưu thế trên biển của Hải quân Mỹ.
Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc hiện có 56 tàu, trong đó có 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân, 47 tàu ngầm tấn công diesel-điện. Theo Lầu Năm Góc, con số này có thể tăng lên 69-78 tàu vào năm 2020.
Tàu ngầm Trung Quốc trong cuộc tập trận chung với Nga trên biển Hoàng Hải năm 2012. Ảnh: Reuters
Trung Quốc đã chế tạo được 10 tàu ngầm hạt nhân trong 15 năm qua. Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, 4 tàu ngầm mang tên lửa lớp Jin "là đại diện cho phương tiện răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy đầu tiên của Trung Quốc".
Theo chuyên gia Bryan Clark tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường đang "đóng vai trò quan trọng hơn trong lực lượng tàu ngầm [của Trung Quốc]", đặc biệt là những tàu có khả năng phóng tên lửa chống tàu và những tàu được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập (AIP).
Hệ thống AIP cho phép tàu ngầm phi hạt nhân hoạt động mà không cần sử dụng oxy lấy từ không khí, chúng sẽ thay thế hoặc tăng cường cho các hệ thống diesel-điện thông thường.
Kể từ giữa những năm 1990, Trung Quốc đã đóng 13 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Song và mua 12 tàu ngầm lớp Kilo [do Nga sản xuất], trong đó có 8 tàu có thể bắn tên lửa hành trình chống tàu.
Kilo là tàu ngầm diesel, vì thế chúng cần phải nổi lên theo định kỳ để lấy oxy, chạy máy phát điện, sạc ắc-quy.
"Tuy nhiên, ngay cả khi như vậy, chúng [tàu ngầm Kilo] vẫn là một mẫu tàu ngầm ưu việt, vững chắc và đáng tin cậy", ông Clark nói, "Trong một chiến dịch ngắn, khi tàu ngầm Kilo không cần dùng tới ống lấy không khí, thì chúng có thể… gây bất ngờ bằng một cuộc tấn công tầm xa, và điều đó là mối lo ngại đối với Mỹ".
Trung Quốc cũng đã đóng 17 tàu ngầm tấn công phi hạt nhân AIP lớp Yuan. Theo Lầu Năm Góc, con số này có thể tăng lên 20 tàu vào năm 2020.
Bộ trưởng hải quân Mỹ Ray Mabus rời tàu ngầm Hai Jun Chang, lớp Yuan ở Ningbo tháng 11/2012. Ảnh: Reuters
"Tàu ngầm AIP lớp Yuan rất ưu việt" – ông Clark nhận định – "Chúng có thể tiến hành đợt triển khai kéo dài 2-3 tuần, có thể duy trì hoạt động nhờ động cơ AIP, và không cần phải nổi lên lấy không khí. Tôi cho rằng đó là mối lo ngại lớn đối với các nhà hoạch định Chính sách của Mỹ và Nhật Bản".
Tàu ngầm lớp Yuan có thể tấn công lực lượng tàu mặt nước của đối phương bằng cả ngư lôi và tên lửa chống tàu.
Theo ông Clark, đối với lực lượng thực hành tác chiến chống ngầm của Mỹ ở tây Thái Bình Dương, "tàu ngầm lớp Yuan thường được xem là mục tiêu đáng ngại, bởi nó có khả năng tấn công các tàu chiến Mỹ, trong khi khó bị phát hiện. Có rất ít cơ hội để tấn công nó".
Tàu ngầm Trung Quốc đã thực hiện các chuyến hải trình vào Ấn Độ Dương và tham gia hoạt động chống cướp biển tại Đông Phi nhưng phần lớn thời gian chúng hoạt động quanh chuỗi đảo thứ nhất – các đảo lớn ở phía tây lục địa Đông Á và bao quanh Biển Đông, Biển Hoa Đông.
Tàu ngầm Trung Quốc còn liễu lĩnh đi vào biển Philippine, nơi chúng có thể tấn công các tàu chiến Mỹ.
Phần lớn chuỗi đảo thứ nhất nằm trong tầm ngắm của các loại tên lửa và máy bay triển khai từ căn cứ trên bộ của Trung Quốc – những nhân tố cốt yếu trong chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận của Bắc Kinh. Đó là khu vực mà Mỹ và các đối tác có thể nhận thấy lợi thế của họ bị ngăn trở.
Tàu ngầm tấn công lớp Yuan của Trung Quốc. Ảnh: Congressional Research Service
"Hiện Trung Quốc đang có lợi thế về số lượng, họ có một lượng lớn tàu ngầm có thể hoạt động, trong khi chỉ phải bao quát một khu vực nhỏ" – ông Clark cho hay.
Trung Quốc có thể triển khai ồ ạt vào khu vực này những chiếc tàu ngầm đủ ưu việt để "khiến khả năng tác chiến chống ngầm của Mỹ-Nhật bị choáng ngợp", thậm chí bị chế ngự.
Các tàu ngầm Mỹ có vẻ sẽ được giao phó nhiều nhiệm vụ, như tấn công mặt đất và do thám, thay vì chỉ tập trung vào việc tấn công các tàu ngầm Trung Quốc.
Do đó, phần lớn nhiệm vụ săn tàu ngầm sẽ được giao cho lực lượng không quân và tàu mặt nước, song đây lại là những phương tiện tác chiến dễ bị bộc lộ trước các loại tên lửa và máy bay Trung Quốc.
Bên trong máy bay tuần tra săn ngầm P-8A của Hải quân Mỹ. Ảnh: USNI News
Những hạn chế
Bất chấp những lo ngại mà các tàu ngầm diesel-điện của Trung Quốc mang lại, chúng vẫn có những hạn chế nhất định.
Tàu ngầm Trung Quốc không êm ái bằng tàu ngầm hạt nhân Mỹ [khi chúng hoạt động ở chế độ yên lặng nhất]. Chúng cũng không có khả năng hoạt động dài ngày như tàu ngầm Mỹ, và phải nổi lên mặt nước theo định kỳ. Bên cạnh đó, các kíp thủy thủ của Trung Quốc cũng thiếu kinh nghiệm hơn so với thủy thủ Mỹ.
"Những con tàu này khá ồn ào, rất dễ bị phát hiện, không có những khả năng mạnh mẽ khác ngoài bắn tên lửa hành trình tấn công mặt đất... Cho đến thời điểm hiện tại, tàu ngầm Trung Quốc vẫn chưa được ưu việt như tàu ngầm Mỹ" – ông Clark nói.
Xung đột vùng xám
Song, số lượng và vị trí địa lý có thể mang lại cho Trung Quốc lợi thế tiềm năng trong cuộc xung đột "vùng xám" (hung hăng dưới ngưỡng để tránh bị trả đũa quân sự). Giới lãnh đạo Hải quân Mỹ cho rằng lực lượng của họ cần chuẩn bị cho tình huống này.
Các tàu ngầm Trung Quốc đang đặt ra một thách thức mà các quan chức Mỹ tự đặt câu hỏi rằng, "Sẽ thế nào nếu chúng ta [Mỹ] dấn thân vào một cuộc xung đột vùng xám với Trung Quốc, và Bắc Kinh quyết định triển khai các tàu ngầm của họ vượt qua chuỗi đảo thứ nhất ra ngoài đại dương xa xôi để chúng khó có thể bị khắc chế hơn?" – ông Clark nói.
"Nếu rơi vào tình huống ‘vùng xám’, chúng ta không thể bắn tàu ngầm Trung Quốc, trong khi lại không có năng lực cần thiết để theo dõi hết chúng, vì thế giờ đây mới có chuyện những chiếc tàu ngầm lớp Yuan [không rõ vị trí] đang quanh quẩn ở biển Philippine.
Các vị có thể rơi vào tình huống mà trong đó nếu quyết định làm theo thang tình hình, các vị sẽ phải lo ngại về những chiếc tàu ngầm lớp Yuan này và khả năng chúng bắn tên lửa hành trình vào tàu chiến của các vị".
"Bên cạnh đó, do ở trên sân nhà nên về cơ bản Trung Quốc có thể kiểm soát được tốc độ và cường độ của họ" – ông Clark cho hay.
Đây là chiến thuật mà Mỹ và các đối tác đã từng gặp phải. Bắc Kinh thường triển khai lực lượng hải cảnh để củng cố tuyên bố bành trướng ở Biển Đông và xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp với các tiền đồn quân sự trên đó để củng cố vị thế.
Tàu hải cảnh Trung Quốc đe dọa tàu cá Philippines hồi năm 2015. Ảnh: AP
Khi những con tàu này chạm trán Hải quân Mỹ, Trung Quốc thường lên tiếng chỉ trích Mỹ là bên gây hấn.
Tại vùng biển ngoài khơi Trung Quốc và xung quanh các đảo nhân tạo này, "Trung Quốc áp dụng chiến thuật này rất nhiều lần vì họ đang ở trên sân nhà và được bảo vệ bởi các cảm biến, cùng tên lửa của mình".
Những tình huống này có thể mang lại cho Trung Quốc lợi thế, nhưng sẽ không thay đổi được năng lực công nghệ của họ - đây là một thiếu sót có thể bị bộc lộ trong cuộc xung đột kéo dài.
"Liệu các tàu ngầm Trung Quốc, tương tự như tàu ngầm lớp Yuan với thời gian hoạt động hạn chế của động cơ AIP – có thể làm được điều gì đó trước khi cạn kiệt đạn dược, oxy và bắt đầu phải nổi lên hay không?" – Clark đặt câu hỏi.
Theo vị chuyên gia, nếu Mỹ và Nhật Bản có thể kiên nhẫn chờ đợi thì khi các tàu ngầm lớp Yuan buộc phải nổi lên hoặc di chuyển về cảng, chúng sẽ dễ bị tấn công hơn.