Tin mới

Tàu sân bay vũ trang cực mạnh của Liên Xô: Mỹ và phương Tây không có đối trọng

Thứ hai, 14/05/2018, 16:51 (GMT+7)

Những chiếc tàu sân bay khổng lồ được vũ trang cực mạnh giống như các tuần dương hạm đã từng là xu hướng thiết kế vũ khí hải quân có một không hai trên thế giới.

Những chiếc tàu sân bay khổng lồ được vũ trang cực mạnh giống như các tuần dương hạm đã từng là xu hướng thiết kế vũ khí hải quân có một không hai trên thế giới.

Trong lịch sử phát triển hải quân thế giới, tư duy phát triển tàu sân bay lưỡng dụng từng được nhiều nước áp dụng nhưng con số đó không nhiều và thường là do yêu cầu cấp thiết của chiến trường hoặc học thuyết tác chiến mới và Liên Xô nằm trong số quốc gia như vậy.

Những chiếc tàu sân bay khổng lồ, nhưng vẫn được vũ trang cực mạnh giống như tuần dương hạm thường được biết tới với tên gọi TAVKR đã từng là xu hướng thiết kế vũ khí hải quân có một không hai trên thế giới.

Chiến hạm Admiral Kuznetsov – chiếc TAVKR duy nhất còn lại của Hải quân Nga. Ảnh: Topwar.ru

Tại sao Liên Xô chọn TAVKR, mà không phải là tàu sân bay

Sau Thế chiến 2, cuộc chiến tranh Lạnh giữa hai cực Xô-Mỹ bắt đầu, khi nói về sức mạnh hải quân, Liên Xô rõ ràng không phải là đối thủ của Mỹ.

Với những hạm đội tàu sân bay hoàn chỉnh, các thủy thủ đoàn dày dạn kinh nghiệm từng đánh bại hải quân hùng mạnh của Nhật trên Thái Bình Dương, cũng như tiềm lực và công nghệ sẵn có, Mỹ hoàn toàn nắm thế thượng phong.

Để đối trọng lại với Mỹ, Liên Xô không thể chọn con đường tương tự vì không đủ cả nhân lực, lẫn vật lực, nên đã sử dụng lực lượng tàu ngầm hạt nhân tấn công mang tên lửa hành trình tấn công để tranh giành quyền kiểm soát đại dương xanh với Mỹ và đồng minh.

Kết quả của quá trình này là sự ra đời của hạm đội tàu ngầm tấn công hùng hậu của Liên Xô. Ở những thời điểm căng thẳng trong chiến tranh Lạnh, Liên Xô từng triển khai đồng loạt tới 200 tàu ngầm trên khắp đại dương, sẵn sàng tìm kiếm và săn lùng các hạm đội tàu sân bay Mỹ bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Cũng chính vì tư duy này, các tàu mặt nước của hải quân Liên Xô được thiết kế chủ yếu với nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải, tuần tiễu, săn ngầm. Cùng với đó, để đối phó với nguy cơ từ các hạm đội tàu sân bay của đối phương, tàu chiến Nga thường được vũ trang khả năng phòng không cực mạnh và tên lửa hành trình diệt hạm tầm xa với mục đích răn đe.

Tàu sân bay vũ trang cực mạnh của Liên Xô: Mỹ và phương Tây không có đối trọng - Ảnh 1.

Các TAVKRcó thể coi là bước tích lũy kinh nghiệm và học tập thiết kế tàu sân bay củaLiên Xô. Ảnh: Topwar.ru.

Tuy nhiên, không vì thế mà Liên Xô từ bỏ "giấc mơ tàu sân bay". Với sự phát triển của công nghệ hàng không đã chứng minh kể cả trên biển hay trên bộ, ai kiểm soát bầu trời, người đó sẽ làm chủ chiến trường. Đây có thể coi là tiền đề cho sự xuất hiện của TAVKR - bước chuyển trước khi Liên Xô cho ra mắt những tàu sân bay hoàn chỉnh.

Không giống như tàu sân bay thông thường có hạm đội hộ tống, TAVKR phù hợp với tư duy tác chiến của Hải quân Nga ở khả năng độc lập tác chiến cao nhờ được vũ trang mạnh. Tuy nhiên, trang bị hạng nặng cũng làm giảm số lượng máy bay mang theo, tính đa nhiệm của lực lượng không quân hoạt động trên khoang, cũng như số lượng đường băng cất cánh.

Hai lớp TAVKR điển hình nhất của Liên Xô chính là Kiev và Kuznetsov. Sau này, Liên Xô cũng theo đuổi các thiết kế tàu sân bay hoàn chỉnh như Đồ án 1153/1160 và 1143.7, nhưng sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã khiến tất cả bị hủy bỏ.

Là tàu sân bay, tàu tuần dương hay cả hai?

Vai trò thực tế của TAVKR trong hạm đội Liên Xô chính là phòng không hạm đội, săn ngầm và công kích mặt đất ở mức độ hạn chế. Thông thường, phi đội hỗn hợp trên các TAVKR vào khoảng dưới 60 máy bay, tương đương với một chiếc tàu sân bay hạng nhẹ (khoảng 60 máy bay cánh cố định và trực thăng).

Do không gian dưới boong tàu phần lớn để triển khai các loại vũ khí tấn công và điều kiện thời tiết lạnh ở Nga, TAVKR sử dụng kết cấu dốc phóng máy bay thay vì máy đẩy hơi nước như trên các tàu sân bay Mỹ. Hạn chế của phương thức dốc phóng máy bay là ở một thời điểm chỉ cho phép 1 máy bay cất cánh (con số này ở tàu sân bay Mỹ là 2-3).

Tàu sân bay vũ trang cực mạnh của Liên Xô: Mỹ và phương Tây không có đối trọng - Ảnh 2.

TAVKR không chỉ mang máy bay, mà còn được vũ trang cực mạnh bằng tên lửa hành trình. Trong ảnh: Các giếng phóng tên lửa P-700 trên chiến hạm Admiral Kuznetsov. Ảnh: Warfare.ru

Tuy nhiên, bù lại, TAVKR có hệ thống vũ khí tấn công và phòng thủ cực mạnh. TAVKR được trang bị các đạn tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm tầm xa tới hơn 500km (trên Kuznetsov là P-700 Granit) giúp đạt ưu thế áp đảo trước hạm đội đối phương. 

Những dòng tên lửa diệt hạm siêu âm tầm xa của Liên Xô có thể coi có một không hai, khi chúng không có đối trọng ở Mỹ và phương Tây. Ngoài ra, TAVKR cũng được trang bị các tổ hợp vũ khí săn ngầm ở mức độ giới hạn.

Để phòng thủ, TAVKR được trang bị số lượng lớn các tổ hợp đánh chặn tầm cực ngắn bằng pháo bắn nhanh (CIWS), tên lửa phòng không tạo ô phòng không bảo vệ chiến hạm trước các mối đe dọa từ trên không.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, TAVKR có nhiều nét giống như bước chuyển, tích lũy kinh nghiệm về thiết kế và sử dụng tàu sân bay của Liên Xô trong hình dáng một chiếc tuần dương hạm. Chính trang bị của các TAVKR đã chứng minh điều này.

Ngọc Huy

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news