(Tinmoi.vn) Theo cuốn The greatest war stories never told (Những câu chuyện chiến tranh thú vị chưa từng kể) của tác giả Rick Beyer, ông đã nhắc đến cơn bão "Thần phong" từng xóa sổ đạo quân xâm lược nhà Nguyên, cứu Nhật Bản thoát khỏi họa xâm lăng.
Bão Thần phong "thổi bay" quân Nguyên xâm lược Nhật Bản
Trong lịch sử Nhật Bản, bão đã từng hai lần nhấn chìm các hoạt động quân sự của con người. Đó là vào năm 1274 và 1281, ứng với hai lần vua Nguyên Hốt Tất Liệt phát động cuộc chiến xâm lược Nhật Bản.
Năm 1274, vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt mở cuộc tấn công vào Nhật Bản với 900 thuyền buồm cùng khoảng 40.000 quân và 15.000 ngựa. Nhưng khi đội thuyền của quân Nguyên đến gần bờ biển Nhật Bản thì một cơn bão lớn đổ bộ vào bờ biển Nhật đã đẩy thuyền đập vào bờ đá và ném quân Nguyên xuống biển. Hơn 300 chiến thuyền bị đắm và 2 vạn quân Nguyên đã chết. Cuộc xâm lăng hoàn toàn thất bại vì bão.
Năm 1281, Hốt Tất Liệt lại ra lệnh mở cuộc xâm lược lần hai với 2 cánh quân riêng biệt. Một cánh có 900 thuyền và một cánh khác có 3500 thuyền với lực lượng 150.000 quân. Ban đầu lực lượng quân Mông Nguyên đã chiếm được một số đảo nhưng khi tiến vào đất liền thì bị quân Nhật phóng hỏa và chống trả dữ dội.
Bão Thần phong từng giúp Nhật Bản thoát khỏi họa xâm lăng của quân Nguyên (Ảnh minh họa)
Bị thiệt hại nặng, quân Nguyên lại phải rút lui nhưng một lần nữa lại có bão vào bờ biển Nhật Bản. Trận bão lần này còn ghê gớm hơn lần trước khiến 80% tàu thuyền của Mông Nguyên bị đắm. Quân Mông Nguyên rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi trên bờ quân Nhật phòng thủ chặt còn dưới biển thì sóng gió dữ dội. Kết quả trận bão làm quân Nguyên bị thiệt hại rất nhiều quân. Cuộc xâm lược lần thứ 2 lại thất bại.
Cuốn sách của Rick Beyer cũng viết về cuộc chiến này như sau: "Đó là cuộc chiến tranh với quy mô chưa từng có. Kublai Khan (Hốt Tất Liệt) đã hoàn thành công cuộc chinh phạt Trung Quốc do ông nội của ông ta - Thành Cát Tư Hãn khởi xướng.
Lúc bấy giờ ông ta đang tập hợp 140.000 binh sĩ để xâm lược Nhật Bản. Một hạm đội gồm 9000 chiến thuyền đưa họ tới Nhật Bản. Dường như không có gì có thể ngăn cản được họ đánh bại Nhật Bản và sáp nhập nó vào Đế chế Mông Cổ.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi những cơn gió bất ngờ nổi lên dữ dội và một trận cuồng phong tràn vào bờ biển nước Nhật, gây thiệt hại nặng nề cho đội quân xâm lược. Thuyền của chúng bị va vào đá ngầm. Hàng ngàn chiếc thuyền bị đắm. Những chiến binh Mông Cổ tìm cách vào được bờ lại trở thành "mồi ngon" cho quân đội Nhật đang quyết tâm hạ gục quân xâm lược. Người ta cho rằng khoảng 100.000 quân xâm lược đã bị tiêu diệt. Nhật Bản đã được cứu thoát khỏi họa xâm lăng. Người Nhật tin rằng đó là nhờ các vị thần. Thế nên, họ gọi trận cuồng phong nhấn chìm đội quân xâm lược là "Thần Phong".
Liệu có một "Thần phong" thứ hai trên Biển Đông?
Theo bản tin mới nhất từ Trung tâm khí tượng thủy văn Trung Ương, hồi 01 giờ ngày 16/7, vị trí tâm bão Rammasun ở vào khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 121,9 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippine. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
"Thần sấm" Rammasun liệu có phải là Thần phong thứ hai trên Biển Đông?
Báo cáo nhanh của Cục kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) chiều 15/7 cho biết, hôm 15/7 Trung Quốc đã giảm số lượng lớn các tàu, chỉ còn duy trì khoảng 70-75 tàu ở lại tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, thấp hơn rất nhiều so với con số 120-130 tàu trong thời gian vừa qua. Toàn bộ số tàu cá của nước này đã di chuyển về khu vực đảo Hải Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia, cơn bão với cường độ lớn như vậy rất có thể đe dọa đến giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, hiện đang hạ đặt trái phép tại khu vực thuộc đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam tại Biển Đông.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho hay, đây là một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, có diễn biến phức tạp.
“Khi đi vào Biển Đông, tâm bão Rammasun ít có khả năng đổ bộ trực tiếp vào khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép nhưng sẽ gây ra gió cấp 8, 9. Với sức gió này, Trung Quốc sẽ phải ngừng các hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở vùng biển. Sức gió cấp 9 sẽ không lớn đến mức khiến Trung Quốc phải sơ tán giàn khoan về nước”, ông Hải nhận định.
Trung Quốc rút các tàu về đảo Hải Nam chỉ để tránh bão?
“Trong trường hợp, Trung Quốc nhân cơ hội bão vào Biển Đông mà rút giàn khoan về nước cho khỏi bẽ mặt thì đó lại việc tốt. Còn không đến khoảng tháng 9, hoặc tháng 10, khi có nhiều cơn bão cường độ mạnh đổ bộ vào Biển Đông kiểu gì Trung Quốc cũng phải di chuyển giàn khoan về nước”, ông Hải chia sẻ.
Còn theo ông Lê Huy Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho hay, thông thường những cơn bão hình thành ở phía ngoài khu vực Thái Bình Dương đi qua Philippines vào Biển Đông có cường độ mạnh. Thậm chí, có cơn bão khi vào Biển Đông còn tăng thêm cấp.
“Giàn khoan của Trung Quốc được thiết kế thành một khối vững chắc. Tuy nhiên, nếu giả sử tâm bão Rammasun đổ bộ qua khu vực giàn khoan thì Trung Quốc phải di chuyển đi nơi khác, hoặc về nước. Lực lượng tàu hộ vệ bao quanh giàn khoan Hải Dương 981 cũng không thể chịu được sức gió cấp 11, 12”, ông Minh chia sẻ.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nổi tiếng về biển Đông, dự đoán: “Có vẻ như Trung Quốc sẽ rút giàn khoan dầu về nước trong hoặc trước ngày 15/8 tới để tránh mùa bão lớn trên biển. Các cơn bão sẽ đem lại cơ hội cho Trung Quốc xuống thang”.
Yên Yên (Tổng hợp)