Thấy anh Thanh đặt mâm gà cúng ô tô, Ngọc đến trộm gà bị anh Thanh phát hiện đuổi đánh. Y về lấy dao cùng 2 người bạn quay lại xông vào nhà đòi chém anh Thanh nhưng bị gia chủ dùng gậy đánh tử vong.
Những ngày qua, trên mạng xã hội xôn xao bàn tán câu chuyện về vụ án mạng tại Đồng Nai.
Theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, tối ngày 23/2 (tức 16 tháng giêng), anh Lê Hoàng Thanh (36 tuổi, ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) bày mâm cúng ôtô trước sân nhà. Lê Hoàng Thế Ngọc (29 tuổi, quê Tây Ninh) đi ngang qua liền lấy trộm con gà bỏ đi. Phát hiện, anh Thanh đuổi theo đánh nhưng bị 3 thanh niên đi cùng Ngọc đánh trả, yếu thế anh Thanh chạy vào nhà.
Đã trộm con gà cúng của gia đình anh Thanh, Ngọc còn vác dao xông vào nhà định hành hung gia chủ nên bị đánh chết. Ảnh minh họa |
Cay cú vì bị đánh, Ngọc cầm dao cùng 3 thanh niên quay trở lại xô cửa xông vào nhà định đánh anh Thanh trả thù. Chủ nhà vơ được cây gậy bằng tre dài khoảng một mét đánh lại khiến Ngọc gục ngã ngay trước cổng, nhóm đi cùng bỏ chạy.
Sau đó Ngọc được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.
Còn bản thân anh Thanh bị Công an tỉnh Đồng Nai tạm giữ để điều tra hành vi Cố ý gây thương tích.
Ngay sau khi sự việc được báo chí phản ánh, cư dân mạng đã rất phẫn nộ về hành động của Ngọc, và cảm thông với hoàn cảnh của anh Thanh.
Đa phần ý kiến đều cho rằng, hành động của anh Thanh là phòng vệ chính đáng, là vô tội.
Facebook có tên Nông Dân bình luận: “Vụ này mà xử anh Thanh có tội thì oan ức quá. 1 bên 3 người, dao trên tay xông vào nhà người khác, 1 bên chủ nhà tự vệ bằng gậy. Thế thì ai muốn giết ai?”
Đồng tình với quan điểm trên, Facebook Kiều Ngọc Quý cho biết: “Theo tôi 95% là anh Thanh sẽ trắng án, vì thực sự là anh ấy vô tội (chỉ là tự vệ chính đáng trước 4 tên côn đồ áp đáo tại gia).”
“Khổ quá, tai bay vạ gió. Con gà cúng nó lấy đi chả lẽ không đòi về, đòi về thì xích mích, đã thua chạy về nhà rồi nó còn cầm dao kéo đồng bọn đến tận nhà truy sát, không vác gậy tự vệ thì để nó đâm chết hay sao?” - một độc giả khác bức xúc.
Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng: “Nạn nhân đã chết thì vẫn bị xét về tội ngộ sát hoặc quá mức phòng vệ chính đáng!”
Để làm rõ hơn về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh.
Theo nội dung mà mà báo chí phản ánh, quan điểm của luật sư là anh Lê Hoàng Thanh phòng vệ chính đáng. |
Luật sư Thanh cho biết, theo như thông tin trên báo thì người có lỗi đầu tiên là anh Hoàng Thế Ngọc (người tử vong), khi anh Ngọc lấy trộm gà cúng của anh Lê Hoàng Thanh.
Tiếp theo, lỗi vẫn thuộc về anh Ngọc, khi anh Thanh chạy theo để lấy lại gà thì bị anh Ngọc và 3 người bạn đuổi đánh.
Chưa dừng lại ở đó, anh Ngọc còn cùng các bạn mang dao quay lại nhà anh Thanh để đánh anh Thanh. Đây là hành động mà dân gian vẫn quen gọi là “áp đáo tại gia”.
Sau đó, mới xảy ra việc anh Thanh dùng gậy đánh trả lại anh Ngọc khiến anh Ngọc tử vong.
“Để có thể xác định được việc làm của anh Thanh có phải là phòng vệ chính đáng hay không cần phải căn cứ vào diễn biến của vụ việc lúc hai bên xô xát tại nhà anh Thanh. Tuy nhiên, nếu anh Ngọc chết là do anh Thanh chống trả lại hành động tấn công của anh Ngọc và nhóm bạn thì quan điểm của tôi cho rằng hành vi của anh Thanh là phòng vệ chính đáng của anh.” – Luật sư Thanh cho hay.
Điều 15 Bộ luật hình sự quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.”
Trong trường hợp này, việc làm của anh Ngọc và nhóm bạn rõ ràng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, thậm chí là hành vi phạm tội khi sử dụng dao để tấn công người khác. Hành vi này đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho sức khỏe, tính mạng, tài sản của anh Thanh và gia đình.
Bên cạnh đó về tương quan lực lượng và vũ khí sử dụng thì có thể thấy anh Thanh yếu thế hơn, phía anh Ngọc dùng dao và có 4 người, phía anh Thanh chỉ một mình và dùng gậy. Bản thân anh Thanh không có sự lựa chọn nào khác để bảo vệ lợi ích của mình ngoài việc phải chống trả lại.
Các yếu tố này phù hợp với chế định về phòng vệ chính đáng được dẫn chiếu ở trên.
“Tất nhiên là nhận định này chỉ dựa trên những thông tin do báo chí đăng tải.” – L.sư Thanh nói.
Cần sớm có văn bản pháp luật quy định chi tiết "Trên thực tế hiện nay, việc xem xét, công nhận một hành vi là phòng vệ chính đáng còn có nhiều nhận thức khác nhau. Chúng ta đã biết có rất nhiều vụ án chủ nhà chống lại trộm, cướp khiến trộm, cướp tử vong, hoặc người nào đó chống trả lại người khác tấn công mình trước khiến người đó bị chết… thì sau đó người chống trả vẫn bị coi là có tội, mặc dù ở mức độ nhẹ. Điều này xuất phát từ quan điểm cá nhân của người giải quyết vụ án do hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hoặc có dẫn chứng, ví dụ về những trường hợp được coi là phòng vệ chính đáng. Tôi cho rằng Cơ quan chức năng rất cần thiết phải sớm ban hành văn bản pháp luật quy định chi tiết về chế định này bởi lẽ đây là vấn đề xác định ranh giới giữa không tội và có tội, có ảnh hưởng đến cuộc đời của một con người." Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh. |
Đức Thuận