Hình ảnh các vận động viên tenis trong giờ giải lao ngồi ăn một trái chuối để lấy lại năng lượng rất có thể sẽ không còn trong một thập kỉ tới vì giống trái cây này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi một số loài nấm bệnh.
Chuối là một trong 5 loại hoa quả phổ biến nhất trên thế giới. Khoảng 100 triệu tấn được sản xuất hàng năm trên 120 quốc gia. Nhờ vào tính phổ biến mà đại đa số luôn nghĩ rằng chuối sẽ "bất tận" như cây cỏ.
Nhưng trong một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí công nghệ PLOS Genetics, nhà thực vật học Ioannis Stergiopoulos từ ĐH California cho biết nhóm nghiên cứu nhận thấy hai trong số ba loại nấm chuối đã trở nên nguy hiểm hơn nhờ tăng khả năng can thiệp vào việc trao đổi chất và lấy đi dinh dưỡng của cây. Chúng dường như đã thích nghi rất nhanh với vai trò là vật kí sinh đầy "hung hãn".
Chuối bị héo lá do nấm bệnh. Ảnh: PLOS |
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy được cơ chế di truyền và các mẫu nấm đã tiến hóa tới mức nào", Stergiopoulos nói.
Theo nghiên cứu, hiện tại một loại nấm tên Sigatoka đã làm giảm sản lượng tới 40%. Ba biến thể của Sigatoka, nấm vàng và nấm đốm lá, đặc biệt nấm đen là mối nguy hiểm lớn nhất, khiến các nông dân phải dùng tới 50 loại thuốc sâu khác nhau để kiểm soát bệnh. Một số không có khả năng mua thuốc sâu nên sản lượng chắc chắn sẽ càng suy giảm. Hơn nữa, việc dùng thuốc cũng gây rủi ro tới môi trường và sức khỏe.
Những trái chuối bị "lủng ruột" do nấm bệnh. Ảnh: PLOS |
Hiện tại, đa phần các loại chuối đều được chỉnh sửa cấu trúc và mang một kiểu gen giống nhau. Khi bị sâu bệnh tấn công, chắc chắn chúng khó có khả năng chống chọi. Stergiopoulos cho biết các loại nấm này còn có thể vô hiệu hóa khả năng miễn dịch, ức chế trao đổi chất, sản xuất enzyme phá hủy các vách tế bào và tiêu thụ đường có trong chuối.
Trong thực tế, Stergiopoulos lo lắng rằng ngành công nghiệp chuối toàn cầu có thể bị xóa sổ chỉ trong 5-10 năm vì nấm lây lan khắp nơi nếu không mau chóng tìm ra các giải pháp phù hợp.
Có hai phương pháp đang được nghiên cứu song song bao gồm: tìm ra cách để tiêu diệt các loại nấm trên và cải biến gen của các giống chuối để chúng trở nên "mạnh mẽ" hơn.
Quý Vũ